Lưu trữ | Đông Bắc RSS feed for this section

Đông Bắc ký sự – vĩ thanh

24 Th4


ảnh làm hậu kỳ sơ bằng Picasa thấy khác chút, thích mắt hơn

 một bé ở cái quán lá ven đường, có lẽ đương khóc vì mới ngủ dậy
 mặc cho bá tánh leo lên Đền Thượng, đôi ta vãng bên nhau
 Đền Hùng là nơi thờ phụng Quốc Tổ linh thiêng, rất nhiều gia đình làng xã gánh cả gà luộc lợn quay và bia, rượu lên tận Đền Thượng, bày chiếu ra và làm cái đám giỗ mini onsite
 đây là thứ đồ chơi bán nhiều trong Đền Hùng
 trên đèo Mã Pí Lèng huyền thoại
 một đôi bạn ở Tuyên Quang, chàng lặng im theo nàng
đây là tấm tôi thích nhất, người mẹ trẻ địu con trên đèo vắng, ngay ngã ba đi Ma Lé, Lũng Cú
 một tấm tương tự ở Mèo Vạc
 các cụ bà lưng đeo dao vác tre đi đường đèo thong dong
 một bà người Nùng cười hết ga

 vẫn trên đèo Mã Pí lèng, chúng tôi luôn tự hỏi rằng  những người phụ nữ này họ đi bộ như thế thì quả là mất thời gian quá, nhưng rồi chúng tôi cũng có câu trả lời: thời gian có nghĩa gì ở đây chứ

 bản nhỏ ven suối

Đông Bắc ký sự (5)

11 Th4

Ngày cuối: “Hà Nội trong mắt ai”

Sau một đêm lái xe, chúng tôi tự thưởng cho mình một giấc ngủ muộn, một tô phở gà ăn với quẩy nóng ngon đến nhức nách ở đầu ngõ Đỗ Hành và một chầu cafe ôn lại hành trình trước khi quyết định xem nên thăm làng cổ Đường Lâm hay làng gốm Bát Tràng. Quyết định cuối cùng là làng gốm, vì ở đó chắc chắn có một số cảnh lao động XHCN để đưa vào khung hình.

Chúng tôi đến làng gốm gặp ngày tốt trời nên người rất đông, từ bờ đê vào đã gặp hàng chục cái đám cưới, nào quan khách, nào rạp dựng, nào bàn ghế, nào chén dĩa… cứ thế lách mãi chúng tôi mới đến được trong làng, chỗ những ngõ vắng cạnh bờ sông.

đám cưới đãi trong nhà, trong những ngõ ngách cổ kính có cảm giác rất lạ, rất xưa cũ
ngõ nhỏ, nhà theo kiểu cũ nhưng vẫn có sân, cổng vẫn khóa theo lối xưa
một cô sinh viên chăng?
đi cùng một anh phóng viên chăng?
từ đất…
…tới đất.
Làng gốm thật đẹp và yên bình
chúng tôi đến thăm một xưởng gốm, các chàng trai cô gái đang làm việc rất chăm chỉ, thỉnh thoảng ngước lên cười với khách. Điều ấn tượng nhất đối với tôi là tất các chàng trai rất dễ thương và các cô gái xinh xắn ở làng gốm đều sở hữu một đôi bàn tay đẹp, rất đẹp
từ một sản phẩm thô bằng đất, những bàn tay khéo léo ấy đã làm nên những chi tiết khá sắc sảo 
một cô thợ xinh
lại nhiều cô thợ xinh
nhưng xinh nhất vẫn là cô này
Sau khi ra khỏi làng gốm, chúng tôi ghé thăm một bảo tàng cổ vật tư nhân nằm trong một ngôi nhà xưa cũ đến nao lòng, cứ như bước vào thế kỷ trước vậy
chúng tôi ngồi dùng trà trong nhà sau khi đã chụp ảnh chán chê
đó là một ấm trà được chánh quyền tặng cho “gia đình ít con mẫu mực”
trà ngon
chân dung ông chủ – nhà sưu tầm cổ vật gốm – một người đáng mến vô cùng
Rời làng gốm Bát Tràng với nhiều hình ảnh đẹp về một chốn thanh bình, xưa cũ, chúng tôi quay trở lại Hà Nội. Vừa vào nội thành chúng tôi may mắn chứng kiến một hình ảnh đã trở nên kinh điển của Hà Nội, tài xế ủi cảnh sát giao thông. 
cảnh sát giao thông ở HN đội mũ cối trông như thời Pháp thuộc
Cảnh sát đứng chặn đầu và tài xế cứ húc vào, có lúc gần như anh cảnh sát ngã nhoài lên capo xe, cảnh sát lùi một bước xe húc tới một bước, cứ như thế đến lúc thiên hạ bất bình thì cái xe mới chịu dừng hẳn, nhưng tài xế vẫn nhất quyết không chịu ra ngoài.
vẫn là Hồ Gươm xanh
và cầu Thê Húc đỏ
nhưng may mắn thay cho chúng tôi, vừa ghé Hồ Gươm đã được diện kiến cụ rùa. Cụ Rùa nổi làm xôn xao cả một góc hồ, chúng tôi chụp được nhiều ảnh đẹp
nhiều người vẫn tranh thủ ngủ ven hồ
tình nhơn đi dạo
cô dâu chú rể chụp ảnh cưới
nam thanh nữ tú đi pinic trên tàn cây
Chúng tôi ghé bún chả Hàng Mành, theo ý nguyện của tôi, tôi rất mê bún chả Hà Nội, mà nhất định phải ăn ở Hàng Mành mới được. Vì sao ư, xem hình sẽ rõ
vì ớt tỏi được chuẩn bị thế này
vì Nem thế này
vì chả thế này
và rau thế này nữa.
Sau khi thõa mãn với chầu bún chả, chúng tôi phi xe ra thẳng sân bay để kịp bắt chuyến bay chiều vào Sài Gòn. Suýt nữa thì chúng tôi trễ máy bay, phần vì tin theo Vietmap mà đi lạc, phần vì hai hũ tương ớt ngâm măng chua mua ở Cao Bằng bị Hải Quan sân bay stop lại. Nhưng tất cả đã qua, chúng tôi rời Hà Nội mang trong hành trang nhiều ấn tượng mạnh mẽ và xinh đẹp về những ngày chu du vùng Đông Bắc.
Những ấn tượng đã qua đều rất mạnh, chúng tôi nghĩ vậy, nhưng chúng tôi không thể ngờ rằng ấn tượng mạnh mẽ nhất, ghê gớm nhất của chuyến đi thực sự còn đang chờ chúng tôi ở phía trước.

Đông Bắc ký sự (4)

10 Th4


Ngày Bốn: Hà Nội, hẹn gặp lúc 0 giờ:

Bạn Tuấn Anh, chủ quán lẩu Thức Yến ở ngã ba sông Cao Bằng, cũng là một tay cầm vô lăng thuộc otofun, quả quyết rằng chúng tôi không thể vừa đi thăm Bắc Bó, vừa ghé vào du ngoạn Ba Bể mà lại về ngủ đêm ở Hà Nội được. Vậy là slogan của chúng tôi ngày hôm sau là: “Hà Nội, hẹn gặp lúc 0 giờ”. Để làm được điều này chúng tôi phải dậy từ 5 giờ sáng, trả phòng khách sạn và đi thẳng hướng biên giới lên Bắc Bó. Sau đây là hành trình  550km của ngày hôm đó, vẫn là ăn, chơi, chụp ảnh… mà không hề vội vã.

khách sạn này rất tốt so với giá tiền
chúng tôi đến Bắc Pó lúc anh bảo vệ vừa cuốn chiếu ngủ dậy, phải thuyết phục anh là chúng tôi lái xe từ miền nam ra đây nên anh mở cửa cho vào sớm sau khi dặn dò đường đi và vị trí các công tắc đèn để chúng tôi tự mở. Vậy mà lọ mọ mãi chúng tôi mới tìm được cửa hang
vừa vào đến nơi thì trời đổ mưa, chúng tôi dấu máy ảnh trong áo, cầm dù và đi ngược dòng suối Lê Nin
đó một dòng suối đẹp nhất mà tôi từng đến, nước trong xanh màu ngọc lục bảo
đây là nguồn của con suối
hang Cốc Bó khá nhỏ, nhưng tiện ích, có cả lỗ thông hơi trên cao
Bếp lửa nơi Bác nấu nước dùng trà

sau khi chơi hang chán chê, chụp ảnh các kiểu, chúng tôi lại ra dòng suối tìm chỗ phơi sáng
“đây suối Lê Nin, kia núi Mác”
trên đường ra khỏi Bắc Bó, chúng tôi ghé mộ anh Kim Đồng
trước mộ anh Kim Đồng có 4 bà già bán nhang (hương), đều là người làng của anh Kim Đồng, hai trong số đó có họ hàng với anh Kim Đồng
đây là bà Nông Thị Hồ, em con chú bác với anh hùng liệt sĩ Nông Văn Dền (Kim Đồng)
chúng tôi cũng dâng hương cả cho mẹ anh Kim Đồng
trên đường trở lại Cao Bằng, chúng tôi gặp một cái cây trổ hoa trắng xóa, nhìn rực một góc trời
về đến Cao Bằng đã trưa, chúng tôi ăn phở ở quán này. Quán có một thứ tương ớt rất lạ, ớt ngâm với măng đắng, tương đậu và nhiều loại quả lần đầu tôi thấy, chúng tôi quyết định mua hai hũ tương lớn đem vào Sài Gòn, quyết định này gây không ít phiền toái cho chúng tôi về sau
chăm sóc chiến mã
đường Cao Bằng – Bắc Kạn rất đẹp, đồi núi chập chùng xen lẫn ruộng bậc thang
bến đò đưa khách đi thăm quan Hồ Ba Bể, chúng tôi mua một tour vừa phải, đi khoảng 1.5 tiếng dạo quanh 3 điểm thăm quan với giá tiền khoảng 300k, khá hợp lý
Cảnh hồ về chiều thật đẹp
say sưa tác nghiệp
một người lưới tôm, Hồ Ba Bể là nơi có sản vật thiên nhiên phong phú, nuôi sống cư dân quanh hồ
cô lái đò xinh đẹp
có đoạn nước hồ xanh màu này
cũng có đoạn nước hồ lại xanh màu này
suy tư trong chiều
Rời Ba Bể lúc trời đã chiều muộn, chúng tôi đi hầu như liên tục, chỉ ăn tối ở Bắc Kạn rồi trực chỉ hướng về Hà Nội. Đường từ Thái Nguyên về Hà Nội rất xấu, chỉ có thể di chuyển chậm chạp. Và như đã hẹn, chúng tôi có mặt ở Hà Nội trước lúc 12 giờ đêm, sau khi đã đánh chén một bát phở sót trên phố Yết Kiêu.
Tại sao chúng tôi muốn về Hà Nội sớm, vì kế hoạch hôm sau của chúng tôi thật hấp dẫn, và trời đã không phụ lòng chúng tôi, Hà Nội đón chúng tôi bằng một ngày nhiều sự kiện

Đông Bắc ký sự (3)

6 Th4


Ngày 3: Mã Pí Lèng
Chúng tôi bắt đầu ngày thư ba của hành trình vẫn bằng món bánh cuốn miền núi mà chúng tôi thống nhất sẽ không nên ăn đến lần thứ ba để vẫn nhớ về nó như một món ăn ngon. Ăn xong chúng tôi dạo phố cổ Đồng Văn và chợ Đồng Văn cũ để tìm vài góc chụp ảnh và thưởng thức café ở một ngôi nhà cổ kính rất đẹp nằm sát chân núi. Chúng tôi được cảnh báo rằng lối đi Cao Bằng khoảng gần 300km đường rất xấu, đoạn đầu qua Mã Pí Lèng hiểm trở, đoạn qua đất Cao Bằng thì đang thi công cực kỳ xấu, nên chúng tôi quyết định sẽ không ghé đâu để kịp đến nơi trước khi trời tối.


Bạn Thắm đề xuất nên mua một ít sữa tươi, bánh kẹo để làm quả cho bọn trẻ các dân tộc trên đường, lũ trẻ mà từ hôm lên đây chúng tôi gặp khá nhiều ngoài đường, luôn hồn nhiên và đáng yêu, dù điều kiện sống rất cực khổ, cực khổ đến mức không thể tượng tượng được. Việc đi cho quà lũ trẻ làm chậm hành trình của chúng tôi rất nhiều, nhưng bù lại chúng tôi cảm thấy con đường thật vui và thật ý nghĩa.
Đầu tiên là đỉnh Mã Pí Lèng chìm trong mây mù, Mã Pí Lèng là nơi chúng tôi muốn đến nhất, đến để xem mức độ hùng vĩ của con đường Hạnh Phúc, nơi được mệnh danh là vua của những ngọn đèo Việt Nam. Tôi trích wiki thông tin về Mã Pí Lèng để các bạn nào chưa xem thì tìm hiểu:
“Mã Pí Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ “sống mũi con ngựa” theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. 
Đỉnh Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) trong cao nguyên đá Đồng Văn có độ cao khoảng 2000m so với mặt nước biển, được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một “Tượng đài Địa chất”. Đi trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ mà muốn xuống đến mặt nước của sông phải mất hơn một ngày đường.
Lịch sử dựng đường
Trước những năm 1960 hơn 8 vạn người Mèo thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm con đường. Bao đời họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Giàng (Trời). Chính nơi đây từng là giang sơn nơi Vua Mèo treo người không phục mình lên cột cho đến chết và sau vua Mèo là thổ phỉ hoành hành, lấy cán bộ mở đường làm bia tập bắn.
Nhằm mục đích giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi, năm 1959, sau 5 năm kể từ năm hòa bình lập lại ở miền Bắc Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Khu ủy Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang-Đồng Văn-Mèo Vạc. Con đường này, về sau mang tên Đường Hạnh Phúc, được khởi công vào ngày 10 tháng 9 năm 1959 với sự tham gia của hàng vạn thanh niên xung phong và bà con thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô v.v. của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), Hà Tuyên Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Hải Hưng, Nam Định. Sau 6 năm xây dựng với 2.946.321 lượt ngày công đục khoét trên 2.899.638m3 đá mà hầu hết trong đó là lao động thủ công không có sự hỗ trợ của máy móc, con đường được hoàn thành hoàn thành vào 15 tháng 6 năm 1965.
Qua hơn 1.000 ngày đầu tiên con đường được thi công, cả vạn thanh niên xung phong và người dân các dân tộc vấp phải một bức tường thành đá khổng lồ dựng đứng là đỉnh Mã Pí Lèng. Để vượt bức tường đá này cần xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m. Tuy nhiên, khó khăn đến mức trong giai đoạn đầu nhằm mở một vỉa đường nhỏ mang tên “đường công vụ” rộng khoảng 40cm trên vách đá (để công nhân về sau có chỗ đặt chân trên đó thi công phá đường rộng ra), 17 thanh niên trong đội cảm tử (giai đoạn này gọi là “Đội Cơ Dũng”) phải treo mình bằng dây trên các vách đá ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng bàn tay trần và những phương tiện thủ công. Nhằm thể hiện lòng quyết tâm và tinh thần đối diện với hiểm nguy, các công nhân đã đặt tại lán của mình 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc. 
Sau khi hoàn thành, Đèo Mã Pí Lèng tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc, được ví như “vua” của các con đèo Việt Nam. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ, về sau được mở rộng hơn cho ô tô nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo và mặt đường lổn nhổn đá hộc, hai ô tô rất khó tránh nhau. Nằm giữa cao nguyên Đồng Văn trơ trọi đá, một bên là vách núi Mã Pí Lèng cao dựng đứng và một bên là vực sâu sông Nho Quế, phía Bắc và Đông Bắc đèo trải dài trong tầm mắt là hàng ngàn quả núi đá trọc màu xám trùng trùng điệp điệp lơ thơ cây cối.
Cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc trong đó có đoạn đèo 9 khoanh dài 20km về sau trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam hay Kim Tự Tháp của người Mèo. Trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, cũng là nơi cao nhất của Đường Hạnh Phúc, hiện có một trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh và tại đây đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo.”
một người đi trong mây

con sông Nho Quế nhỏ như sợi chỉ phía dưới

bạn có nhìn thấy con đường?

chia quà ngay trên đỉnh đèo
bên bia đá kỷ niệm
một đứa trẻ đứng chơi bên bờ vực
lại mù sương
kiểu gì đồng bào cũng canh tác được
đôi bạn trẻ trên đèo

bắt đầu có chỗ rộng rãi hơn để canh tác

đường về Mèo Vạc xa xôi
một bản nhỏ nằm giữa thung lũng, cạnh một con suối trong xanh
uống sữa mau lớn nào các cháu
ghé một nhà bản Nùng
từ từ em nào cũng có, đừng nhăn nhó em có em không
đi một mình cũng có quà
chị địu đi cũng có quà
đủ chưa các con?
ở nhà cũng có quà
lại một dòng xanh
vùng cao nên lúa cấy trên mái nhà

cầu treo quá suối, có cây gì trổ lá xanh nhức mắt

và một chàng trai đánh cá ở hạ nguồn

lại một bản nhỏ ven đường

mẹ điệu, con cũng điệu

trồng lúa không được thì trồng ngô (rượu ngô ngon phết)

tôi nghĩ cái này là hình thức mộ táng trong hang động, có rất nhiều, hôm nào hỏi lại chị Hậu KC

diệt cỏ tận gốc


một bản nhỏ khác

bắt đầu vào đường xấu

hơi xấu thôi

à không, cực xấu, chỉ 5km/h thôi

Cao Bằng chưa lên thành phố, vẫn đương là Thị Xã thôi, nhưng chúng tôi thật bất ngờ vì Cao Bằng khá đẹp và hiện đại, hơn cả Hà Giang. Buổi tối chúng tôi tìm đến quán lẩu khá nổi tiếng nằm bên bờ ngã ba sông, ở đây không có lẩu nhỏ nên cả ba chúng tôi phải làm một cái lẩu to đùng với rất nhiều rau và thịt. Chúng tôi gọi một chai rượu gạo ngâm chuối khá nặng để thay cho món rượu ngô (tầm 30 độ) nhàn nhạt hai hôm nay. Vợ chồng chủ quán lẩu khá dễ thương, chồng tên Tuấn Anh dân Cao Bằng, còn vợ mới cưới thì quê Hà Giang, anh chồng luôn miệng tư vấn cho chúng tôi về đường đi Bản Giốc, Pắc Pó và Ba Bể, thậm chí còn định gọi cho giám đốc rừng quốc gia Ba Bể để đón chúng tôi… 





Đông Bắc ký sự (2)

5 Th4


Ngày hai: “thấy hồn nhiên mây trắng phủ lưng đèo”
Chúng tôi thức dậy từ rất sớm, rượu ngô thơm đêm qua như một đám mây mỏng tan đi và trả lại hình dáng những gã du hành sung sức. Trong bữa sáng ở một quán bánh cuốn, thứ bánh cuốn vùng cao mà tôi rất thích, được dọn ra với tô nước dùng nóng hổi có chả và hành phi thơm, chúng tôi bàn tính lộ trình, tôi đề xuất nên đi nhanh để kịp nghỉ đêm ở Cao Bằng, đó là một điều bất khả, sau này tôi mới biết. Trước khi lăn bánh xe lên đây, tôi được nhiều bạn bè cảnh báo rằng Hà Giang là một nơi khá nguy hiểm với nhiều đường đèo núi, rằng không nên tự lái nếu kinh nghiệm đi đèo chưa nhiều, rằng đường đi rất khó… tôi thấy quá bình thường vì hôm qua đi lên đây chúng tôi chỉ đi qua vài cung đường núi khá thoáng và tốt, chẳng thấm gì so với kinh nghiệm cầm lái của chúng tôi.
Nhưng tôi đã lầm. Những thử thách về cung đường huyền thoại đối với dân cầm vô lăng chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi rời thành phố Hà Giang trong sương giăng, đoạn đường thật đẹp hầu như lúc nào cũng song hành với những con suối cạn, nước xanh biếc len lỏi giữa những đỉnh núi mù mây.





Thời tiết không được tốt, trời đầy mây mù và có mưa phùn. Khi chuẩn bị vào địa phận Quyết Tiến chúng tôi mới thực sự cảm giác sợ khi con đường đi bỗng nhiên nhỏ lại, chỉ vửa đủ một xe đi, mặt đường trơn trượt trong mây mù dày đặc, một bên là vách núi cao dựng đứng và một bên là vực sâu thăm thẳm. Những cái cua mỗi lúc một nhiều hơn và gay gắt hơn, mỗi lúc một dốc ngược lên (chúng tôi gọi đùa đó là những cái cánh gà chiên nước mắm) làm chúng tôi gần như không thể chạm lưng vào ghế, hai mắt dán vào kính xe và hai tay xoay vô lăng cật lực với tốc độ chỉ tầm 20~30km/h. Lúc ấy chúng tôi mới thật sự có ý niệm về sự nguy hiểm, đặc biệt là mỗi khi cần phải dừng lại để tránh đường cho một xe ngược chiều. Lúc này, chỉ cần một thao tác sai, chỉ cần một trục trặc nhỏ giữa đường núi vắng có thể lấy mất mạng chúng tôi một cách nhẹ nhàng, thậm chí là không ai hay biết.





Vào đến Quyết Tiến chúng tôi quyết định dừng lại, một phần để chụp ảnh vườn hoa cải vàng rực trong mây mù dày đặc, một phần để nghỉ ngơi lấy lại bình tĩnh. Chúng tôi nghĩ rằng mình đang đi trong mây và trên những đỉnh núi đẹp nhất trong đời mình, nhưng đó chưa phải là tất cả. Lúc lên xe khởi hành lên núi lần nữa, đột nhiên bạn Thắm reo lên một cách ngạc nhiên: chúng ta qua khỏi mây rồi. Và đúng vậy, chúng tôi vội kiếm chỗ dừng xe lại, cảm giác nghẹt thở trước biển mây hiện ra tít tắp dưới chân mình, màu mây trắng tinh với những di chuyển mờ chậm để lâu lâu lại lộ ra một đỉnh núi từ xa xăm. Tôi đã từng đứng trên núi cao nhìn mây trôi, nhưng trong đời mình tôi chưa khi nào nhìn thấy một biển mây trắng xóa dày đặc bao phủ quanh mình như vậy, cảm giác thật là khó tả, thấy mình thật yêu đời biết bao.



Kể từ đó chúng tôi cứ len lỏi trong mây mù để đến Cổng Trời Quản Bạ, cũng đang chìm trong mây mù nên dù có leo lên đến cổng trời chúng tôi cũng chịu không thể nhìn thấy gì ngoài một màu trắng mờ mịt. 



Ở Cổng Trời Quản Bạ, chúng tôi dừng uống một ấm trà nóng và mua một tờ bản đồ của Hà Giang, tìm đường đi, cứ tốc độ này thì may lắm đến tối chúng tôi mới đến được Đồng Văn, còn Cao Bằng thì mịt mờ phía trước. Trên đường vào Yên Minh, chúng tôi gặp một đôi bạn trẻ đi phượt bằng mô tô, đó là một vợ chồng mới cưới, Kiên và Huyền, trông các bạn thật đáng yêu, chúng tôi bắt chuyện làm quen, hẹn nhau bữa rượu tối ở Đồng Văn.


Sau khi ăn trưa ở Yên Minh, chúng tôi cứ chậm chạm bò đi trên những đỉnh núi mù mây để đến thăm Dinh Vua Mèo họ Vương, đó là một căn nhà gỗ rất đẹp, nằm cạnh chợ Sà Phìn. Lúc chúng tôi đến cũng ngay dịp có một đoàn khách thăm quan đến nên chúng tôi may mắn được một hậu duệ của họ Vương cầm micro giới thiệu về di tích khá mạch lạc và đầy đủ thông tin. Tôi trích wiki ra đây để bạn nào chưa biết thì xem.




Vua Mèo hay Vua Mông là một chức vụ thủ lĩnh tinh thần của đồng bào dân tộc H’Mông, Việt Nam, Lào. Chức này có trước Cách mạng tháng 8, sau đó chính quyền mới không công nhận chức này trong nước. Vì mang tính tự trị tuyệt đối, kinh tế chủ yếu dựa và trồng cây anh túc chế xuất buôn bán thuốc phiện. Ngày nay vua Mèo là một từ của huyền thoại, quá khứ của người dân tộc H’Mông.
Ông vua là Vương Chính Đức, vương quốc của ông ở huyện Đồng Văn vương triều có sức mạnh, thao túng toàn bộ khu vực cực Bắc cũng như toàn bộ vùng Đông và Tây Bắc. Lúc đó có 7 vạn dân, dân số đa phần trồng cây anh túc. Trước năm 1945, tuy bị sức ép từ nhiều phía, các bên ép làm thân nhưng Vương Chí Sình muốn xây dựng Đồng Văn thành một vương quốc tự trị của người Mông, không theo Pháp cũng không theo Tưởng Giới Thạch. Các phe đối lập cũng không dám lật đổ Vương, bởi chỉ có Vương mới quy phục được cư dân ở vùng này.
Sau đó, 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông lên Hà Nội gặp mặt nhưng do tuổi đã cao nên ông cử con trái thứ hai, người được coi là kế nghiệp vua Mèo là ông Vương Chí Sình đi thay. Sau đó Vương Chí Sình làm việc cho chính phủ Hồ Chí Minh, thành một đại biểu quốc hội khóa I và khóa II. Trước khi về hưu, Vương Chí Sình còn giữ chức chủ tịch huyện Đồng Văn. Vai trò vua Mèo yếu dần, vì cùng hòa hợp với cả nước xây dựng một nhà nước thống nhất. Vương Chí Sình mất năm 1962 ở Hà Nội và linh cữu được đưa về Hà Giang, an táng tại Phó Bản sau đó được cải táng về khu di tích nhà Vương như hiện nay.
Rời Sà Phìn, chúng tôi vẫn quyết tâm lên cột cờ Lũng Cú, dù trời lúc này đã về chiều, rất lạnh và mây một lúc một dày hơn. Đường núi từ ngã ba Sà Phìn đi Lũng Cú, đặc biệt là đoạn qua Ma Lé là con đường cheo leo nhất trong suốt lộ trình của chúng tôi. Đường nhỏ, hai bên là vách núi dựng và vực sâu mà không có taluy bảo vệ, đôi chỗ những tảng đá lớn lăn xuống đường làm chúng tôi luôn miệng cầu mong mình đến nơi thật nhanh và bình an. Chúng tôi mất một tiếng di chuyển cho hai mươi lăm cây số đến Lũng Cú.


Cột Cờ Lũng Cú, điểm cực bắc của Tổ Quốc chìm trong mây mù. Chúng tôi phải vượt qua gần ngàn bậc thang dốc ngược để leo lên đỉnh cột cờ, chụp ảnh nhau trong gió lạnh căm căm và… leo xuống, vì chung quanh cột cờ chỉ là một màu trắng bất tận của mây mù. Thêm wiki về cột cờ Lũng Cú cho các bạn tham khảo

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển. Đây là một điểm nhỏ trên đoạn đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Nếu mô phỏng một cách tương đối hình dạng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc thành một chóp nón thì hai điểm thấp nhất theo kinh độ là Tây Trang, Điện Biên và Sa Vĩ, Móng Cái, còn Lũng Cú là đỉnh của chóp nón này cũng là điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam.
Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm 1887. Những năm sau đó như 1992, 2000 và đặc biệt năm 2002 cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian, trong đó năm 2002 cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có có chiều dài 9m, chiều rộng 6m và tổng diện tích rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam.


người lên cột cờ Lũng Cú đầu tiên



Chúng tôi về đến Đồng Văn lúc trời sập tối. Như đã hẹn với hai bạn trẻ mới quen trên đường, chúng tôi kéo nhau vào một quán ăn nổi tiếng nằm đối diện chợ Đồng Văn, gọi vài món ngon và một chai rượu ngô to. Bạn Kiên không uống rượu nên anh em chúng tôi lại tiếp tục làm hết chai rượu, tự thưởng cho mình sau khi vượt một hành trình gần 300km trên núi cao và trong mây mù dày đặc để đến đích an toàn. 


Đông Bắc ký sự (1)

4 Th4


Tôi kể câu chuyện về hành trình của mình, để lưu lại những trải nghiệm, nhưng sẽ không kể với các bạn về thời gian trước khi tôi có mặt ở Hà Nội, vì như thế câu chuyện sẽ rất dài. Xin bắt đầu bằng ngày 28-03, kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng tôi, chúng tôi dự kiến sẽ có một chuyến đi lên vùng cực bắc của đất nước. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho chuyến đi này từ gần một năm trước, tham khảo ý kiến của nhiều người và đã thay đổi kế hoạch không dưới mười lần, đến tận ngày khởi hành thì kế hoạch lại tiếp tục thay đổi, vợ chồng tôi có thêm một bạn đường, một người bạn thân nhất của tôi, một người có thể nói đã từng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với tôi trong hơn hai chục năm qua. 

Bộ ba chúng tôi trên một chiếc Inova đã làm nên một hành trình đáng nhớ mà nhiều khi nghĩ lại chúng tôi phải thật sự khâm phục chính mình. Vì là ghi lại hành trình nên phần chú giải các địa danh tôi xin phép trích từ Wiki cho có nhiều thông tin hơn.
Ngày một: “không phải lăn tăn”
Chúng tôi khởi hành từ rất sớm, lúc trời còn mờ sương. Hà Nội hơi lạnh, khoảng 11 độ vào lúc 7 giờ sáng. Những cảnh vật của vùng quê bắc bộ đẹp như tranh vẽ dần trải ra trước mặt chúng tôi, theo nhịp bánh hăm hở của chiếc Inova và bộ ba đang háo hức khám phá những vùng đất mới. Tôi dừng xe ở thành phố Vĩnh Yên, định bụng tìm một quán café và nhân tiện hỏi đường. Cả một thành phố lớn vậy mà tìm mãi chẳng có quán café nào, tôi đành cho xe chạy tiếp, ghé vào một cây xăng để lấy cớ hỏi đường đi Đền Hùng.
Một bất ngờ đâu tiên là khi tôi trả tiền xăng xong, cho xe chạy một lúc mới phát hiện ra cô nhân viên đổ xăng không hề đậy nắp bình xăng lại cho tôi, điều hiển nhiên nếu bạn đổ xăng ở Sài Gòn, tôi vẫn nghĩ rằng chị ta quên, nhưng sau này, khi việc này lặp lại thêm 3 lần nữa trên hành trình của mình, tôi nghĩ rằng đó là một khác biệt, nho nhỏ thôi, nhưng khá là không thoải mái.
Chúng tôi dừng xe ở một quán nước chỉ có trà với kẹo lạc, tôi ngỏ ý muốn uống café và cô chủ quán dễ thương đã chạy đi mua một túi café với hai cái phin bóng loáng để phục vụ chúng tôi ngay. Đó là một cái quán nhỏ xinh, ven đường, dưới bóng một cây xoan đương nở hoa trắng xóa và có hai cô chủ quán thật đáng yêu, vui chuyện. Chúng tôi chỉ mất 60,000 cho hai ly café đặc quéo pha theo yêu cầu, hai túi kẹo lạc, một gói vinataba và một ấm trà ngon.

quán nhỏ ven đường

Hoa Xoan

bạn đồng hành

Đền Hùng chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày giỗ Tổ thật đông vui và náo nhiệt, mọi người đã nô nức đến dâng hương từ đầu tháng Ba âm lịch. Chúng tôi đậu xe vào một bãi xe khổng lồ được bảo vệ nghiêm ngặt từ ngoài đường chính bằng rất nhiều lớp an ninh, các đồng chí công an khá vui vẻ và nhiệt tình đối với khách hành hương đất tổ, một ấn tượng đẹp về Phú Thọ, nơi giữ bàn thờ Tổ của đất nước.


Trích Wiki về quần thể Đền Hùng và một số hình ảnh.

Quần thể di tích đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét (núi có những tên gọi như Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn), thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, trong khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt giáp giới với những xã thuộc huyện Lâm Thao, Phù Ninh và vùng ngoại ô thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 10km. Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang cổ xưa. Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương, đương thời các Vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh này.

Cổng đền: Được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917), có bốn chữ Hán viết theo lối chữ chân, đại tự “Cao sơn cảnh hành” (Lên núi cao nhìn xa rộng). Còn có người dịch là “Cao sơn cảnh hạnh” (Đức lớn như núi cao), do chữ 行 trong bức hoành phi có thể đọc bằng hai âm “hành” hoặc “hạnh” với nghĩa khác nhau.

Đền Hạ: Tương truyền là nơi Âu Cơ… sinh hạ bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con. Kiến trúc đền Hạ kiểu chữ nhị gồm hai tòa tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m.

Nhà bia: Nhà bia nằm ngay cạnh đền Hạ có kiến trúc hình lục giác với 6 mái. Trong nhà bia trước đặt tấm bia công đức ghi công những người đóng góp tu bổ di tích, nay đặt tấm bia đá khắc dòng chữ quốc ngữ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Đền Hùng ngày 19 tháng 9 năm 1954 và nói chuyện với Trung đoàn Thủ đô, trước khi trung đoàn về tiếp quản Hà Nội. 


Chùa Thiên Quang: còn gọi là Thiên quang thiền tự, tọa lạc gần đền Hạ. Chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm các nhà tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau.

Đền Trung: Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước.

Đền Thượng: Đền được đặt trên đỉnh núi, nơi ngày xưa theo truyền thuyết các Vua Hùng thường lên tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệpthờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: “Nam Việt triều tổ” (tổ tiên của Việt Nam).

Cột đá thề: Bên phía tay trái đền Thượng có một cột đá gọi là cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương.

Lăng Hùng Vương (Hùng Vương lăng) tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa đây là một mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (năm 1870) đã cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (năm 1922) trùng tu lại.

Đền Giếng: Tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18 theo dạng hình chữ công.



Chúng tôi nhanh chóng hòa vào không khí thiêng liêng của đoàn người hành hương về đất tổ, dù đôi lúc việc vượt qua mất trăm bậc thang lên đỉnh núi đối với tôi tưởng chừng như quá sức, nhưng khi cúi đầu tưởng nhớ đến những vị tiền nhân đã có công dựng nước, nỗi mệt nhọc bỗng tan biến, thay vào đó là niềm tự hào.

một nữ khách hành hương xinh đẹp
có cả một màn ca nhạc dân tộc (rất nhắng)

vị nữ khách kế bên bạn Thắm (mặc áo xanh) đã làm chúng tôi bất ngờ với việc đọc cả một bài văn tế rất vần điệu và rất hay, bà cầu xin các vua Hùng hầu như mọi thứ, chỉ tiếc là đến cuối bài diễn văn đột nhiên bà lại kết bằng câu khấn:” nam mô a di đà phật”
Cột đá thề
thở không ra hơi sau khi leo lên đỉnh
khói hương dâng Quốc Tổ
Ở Đền Hùng, việc bán hàng khá đông và khá lộn xộn dù ban tổ chức đã ra sức dẹp


chúng tôi mua một ít Mã Thầy, ăn rất ngon


Rời Đền Vua Hùng thì đã quá trưa, chúng tôi tìm một quán ăn và có một ấn tượng xấu trên hành trình của mình, chúng tôi bị tính 720,000 cho một dĩa thịt trâu xào, một đĩa ốc bưu xào chuối, một dĩa gà rán và một tô canh cải, chư vị chủ quán gian manh còn nói thẳng là một năm chỉ được mấy ngày lễ nên tính đắt hơn bình thường là lẽ đương nhiên. Đó là một trải nghiệm mới, từ đó chúng tôi quyết định sẽ tìm những quán ăn không nằm ven đường và hỏi giá cả cụ thể trước khi ăn.



Chúng tôi quyết định hỏi thăm một đồng chí công an đang làm nhiệm vụ ở cửa ngõ vào Tuyên Quang xem nên đi thăm thú ở đâu, cuối cùng chúng tôi quyết định bỏ qua di tích Cây Đa Tân Trào vì hơi ngược đường, chỉ ghé qua thăm di tích Thành Nhà Mạc ở thành phố Tuyên Quang, một thành phố mới với những con đường rộng, đẹp ở trung tâm và hẹp, xấu ở ngoại thành. 




Di tích thành nhà Mạc có lẽ lại là một bất ngờ nữa đối với chúng tôi, đó chỉ là một cái…bùng binh, chính xác là một cái bùng binh được xây bằng gạch nung theo kiểu cổng thành xưa, hoàn toàn khác với những gì tôi hình dung về một phế tích hơn 5 thế kỷ. Việc trùng tu di tích có lẽ đã xóa sổ thành nhà Mạc, điều vẫn xảy ra đối với nhiều di tích mà tôi đã từng qua như các cửa ô ở Hà Nội hay cái Tháp nước Hàng Đậu.

Đoạn đường từ Quyên Quang lên Hà Giang cực xấu, nhiều đoạn tệ hơn một con đường tệ nhất ở một xã nghèo nhất nhưng khi vào địa phận Hà Giang thì khung cảnh nên thơ của núi rừng đã xóa đi ấn tượng xấu về con đường. Dù đã cố gắng để đến thành phố Hà Giang trước lúc trời tối nhưng tôi vẫn liên tục dừng xe trên đường để chụp ảnh và gặp gỡ những người dân tộc thiểu số.


Thành phố Hà Giang thật đẹp, một thành phố nhỏ nằm hai bên bờ sông Lô được bao bọc bởi những đỉnh núi hoang sơ, mây phủ trắng xóa. Sau khi tắm rửa ở khách sạn và làm một vòng ngắm thành phố, chúng tôi đi đến những quán ăn đặc sản kiểu: gà đồi, lợn mán, cá sông.. nằm dọc bờ sông Lô để làm bữa rượu tối. Tôi quyết định sẽ ăn món vịt sông Lô tại quán Sơn Vịt, chủ quán là anh Sơn, một bộ đội biên phòng xuất ngũ quê ở Thái Bình rất vui tính. Chúng tôi khá hài lòng với món Vịt luộc rất ngon, nồi lẩu măng vịt ngọt lịm và chai rượu ngô thơm lừng. 



anh Sơn Vịt



Biết chúng tôi lặn lội từ miền nam ra thăm Hà Giang, anh Sơn Vịt đã nhiệt tình giao lưu và luôn miệng nhắc chúng tôi ăn thêm, cứ mỗi khi cụng ly với chúng tôi thì anh lại đưa tay ra bắt tay từng người, tôi lấy làm lạ thì anh cười, đó là tục miền núi đấy các bác ạ, có câu: “uống rượu bắt tay, biết ngay miền núi” mà.


Xin dùng câu nói bất hủ của anh Sơn Vịt để kết thúc ngày đầu tiên của hành trình: “không phải lăn tăn”.