Dạy bơi

20 Th12

Dĩ nhiên là tôi biết bơi vì tôi có 12 năm sống với biển. Tôi bơi không giỏi mà cũng không nhanh, tôi chỉ bơi như người ta đi bộ, vậy thôi.

Hồi 16 tuổi, có lần tôi bơi từ bờ biển Nha Trang ra đảo Hòn Tre, một chuyện mà tự tôi, tôi cũng không dám lập lại lần nữa.

Hồi nhỏ, vợ tôi bị chết hụt vì lật vỏ lãi ở ngã bảy Phụng Hiệp nên tự nhiên nàng sợ nước, dĩ nhiên nàng không biết bơi.

Tôi tập bơi cho nàng mất 30 phút. Sau đó nàng bơi như vận động viên quốc gia: khởi động, xuống hồ, bơi vòng quanh hồ 20 vòng không nghỉ rồi lên bờ về.

Tôi nghĩ mình có năng khiếu dạy bơi, nên tôi chia xẻ ở đây để bạn nào chưa biết bơi hoặc đang bơi yếu thì đọc tham khảo. Biết đâu, trong đời có lúc phải bơi, nhiều khi là để sinh tồn.

Theo tôi, sai lầm của tất cả những giáo trình và phương pháp dạy bơi là cố tập cho người ta cái gọi là: “nỗ lực làm nổi”. Tôi nghĩ đây chính là điều đã làm cho quá trình học bơi của bạn dài ra và có thể sẽ không bao giờ kết thúc.

Chính “nỗ lực làm nổi” đã tạo cho ta tâm lý “sợ chìm”, càng sợ bị chìm, ta càng dễ bị chìm hơn và ta sẽ dễ phát hoảng khi bị “chìm”.

“Nỗ lực làm nổi” ban đầu được hỗ trợ bằng hai cái phao nhỏ đeo ở nách và một miếng xốp cột ở bụng (nếu bạn là một cô gái, thì anh thầy dạy bơi sẽ đỡ bụng bạn thay cho miếng xốp). Dần dần, khi đã quen, “nỗ lực làm nổi” sẽ được thay bằng các động tác liên hoàn để giữ cho cơ thể bạn luôn nổi trên mặt nước.

Đó gọi là bơi theo giáo trình.

Phương pháp dạy bơi của tôi thì ngược lại.

Tôi muốn bạn bắt đầu bằng sự “chìm”.

Hãy thả lỏng cơ thể, hít một hơi vừa phải, nhắm mắt và buông người nầm sấp để cho cơ thể chìm tự nhiên trong làn nước ở một đổ sâu vừa phải để bạn có thể đứng lên khi bắt đầu hết hơi.

Lần thứ hai, hãy hít một hơi dài hơn, và lập lại như lần thứ nhất, nhưng bây giờ bạn hãy mở mắt ra, và thở ra nhè nhẹ để tự mình nhìn thấy những bọt khí bay lên trong nước.

Lần thứ ba, cũng như vậy, nhưng hãy bắt đầu nhìn ra chung quanh bạn, hãy cảm nhận cơ thể bạn trong nước, hãy đưa ta ra và nhìn ngắm bàn tay mình, thử động đậy chân.

Khi lặp lại vài lần, bạn sẽ nhận ra rằng mình “chưa hề chìm”, cho dù mình có buông xuôi tay chân và nằm sấp trong nước, mình vẫn nổi.

Nước sẽ đưa ta nổi lên, vô điều kiện.

Vậy “nỗ lực làm nổi” là hoàn toàn không cần thiết. Khi đã làm quen với nước, bạn sẽ cảm nhận nó, như là không khí.

Bạn ở trong nước, bạn nổi, điều đó tự nhiên như khi ta đứng trên mặt đất.

Việc còn lại của bạn là học cách hít thở và di chuyển bằng những động tác đơn giản, có thể học từ một con ếch.

Cách dạy bơi của tôi rất hiệu quả, vì những người được tôi dạy chỉ mất 30 phút để bơi và bơi rất tự nhiên, như đã nói ở trên, như người ta đi bộ.

Cho tôi lạc đề chút xíu.

Trong cuộc sống nói chung, con người đều được giáo dục để ít nhiều vẫn tập tính “nỗ lực làm nổi”. Nhưng bằng những thành công và đẳng cấp cụ thể (mà đôi khi cũng rất hư ảo), người ta không hề nhận ra “nỗ lực làm nổi” ấy là một sự lãng phí thời gian quí báu của đời mình.

Cuộc sống cũng có qui luật như trong tự nhiên, mà chữ “tự nhiên” bản thân nó cũng nói lên được bản chất của cuộc sống rồi.

Đôi khi, cứ sống tự nhiên thôi. Sống như cái cây ngọn cỏ, như con thú trong rừng. Bớt “nỗ lực làm nổi”, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn chăng?

Đừng sợ “chìm”, không “chìm” được đâu. Tin tôi đi.

26 bình luận to “Dạy bơi”

  1. Phung Tran Tháng Mười Hai 20, 2009 lúc 5:10 chiều #

    Hết bịnh em sẽ đi bơi, áp dụng bài học này của anh Phú. Em bơi chưa giỏi, chỉ tự làm nổi mình thôi hà. Em thích tấm hình 2 cha con trong ho hồ bơi, cảm động tình cảm của anh dành cho gia đình quá.

  2. marcus Tháng Mười Hai 20, 2009 lúc 5:43 chiều #

    Cảm ơn anh. Dù em biết bơi rồi, nhưng đọc vẫn thấy rất quý báu.

  3. Anonymous Tháng Mười Hai 20, 2009 lúc 5:58 chiều #

    Nè, bác có chắc giáo trình của bác hiệu quả không zậy. Nỗi hay chìm thì việc đầu tiên theo em là phải học thở trước. Không thở đúng thì theo em sẽ không thể bơi được.Lvu

  4. ANH Tháng Mười Hai 20, 2009 lúc 6:20 chiều #

    PP của bác được áp dụng ở các lớp dạy bơi ngoài HN. Và tôi cũng như khá nhiều bạn ủa tôi đã từng thất bại với nó.Sau này vào SG, tôi mới biết đến pp làm nổi bằng phao tay và bụng giúp một số lớn bạn tôi thành công. Và tôi nghĩ nó cũng là một bước khởi đầu phù hợp với những người rất nhát nước. Từ kinh nghiệm của chính bản thân thì tôi rất đồng ý với bạn Lvu trên rằng việc quan trọng nhất là tập thở. Tôi lấy hơi ngụp xuống đều đặn đến 100 lần mà vẫn thấy nhẹ nhàng như trên bờ là lúc tôi bắt đầu bơi được. Các động tác chân tay đúng chủ yếu giúp mình bơi nhanh hơn thôi.Hehe, nói thì hay thế, nhưng thực tế thì vẫn chưa giúp con gái mình tự bơi được vì bé còn hơi nhát và thở chưa đúng cách:)

  5. Land Tháng Mười Hai 20, 2009 lúc 7:11 chiều #

    em cũng tập bơi cho bạn bằng cách này, cũng hiệu quả y thế ! ^^-Land-

  6. Lila | Thanh Tháng Mười Hai 20, 2009 lúc 8:45 chiều #

    Em chi biết mỗi bơi ếch.. Nhưng biết bơi rồi em thích nhất là bơi dưới mặt nước, lâu lâu ngoi lên lấy hơi. Có nhỏ bạn em học lặn, bơi gần sát mặt sàn một mạch từ bên này sang bên kia khỏi cần ngoi lên lấy hơi luôn. Chắc là cách thở của mình chưa đúng

  7. thichhoctoan Tháng Mười Hai 20, 2009 lúc 10:36 chiều #

    Anh cho tôi mượn bài này về treo ở sân chùa tôi nhé.

  8. Đàm Hà Phú Tháng Mười Hai 21, 2009 lúc 12:04 sáng #

    @Mọi người. Đây là cách tập bơi mang tính tâm lý, khi không cảm thấy bị "chìm", khi cảm thấy mình tự nhiên nổi. Mọi việc còn lại như hít thở, khua tay, đạp chân sẽ tự nhiên và dễ dàng.@Hòa Thượng THT: Thế thì quí hóa quá, xin mời Hòa thượng cứ tự nhiên ạ.

  9. LU Tháng Mười Hai 21, 2009 lúc 1:43 sáng #

    Năm 16 tuổi Lu đi học bơi. Đập chân tốt, tay quạt tốt, nhưng sau 3 tháng vẫn ko thể nào bơi được. Lí do là "tâm lí" sợ nước. Sợ buông tay ra khỏi phao sẽ bị chìm lĩm. Ku thầy dạy bơi pó tay vì tính chết nhát của Lu. Cứ tưởng 3 tháng học bơi phí tiền chẳng nên cơm cháo gì. Ngày cuối cùng hắn tức mình bảo Lu bơi thử cho hắn xem, Lu vừa bơi vừa ôm phao thì hắn giựt 1 phát cho cái phao văng ra. Lu chới với tự nhiên đập tay chân loạn xạ theo quán tính cho nổi lên, từ ngày đó Lu biết bơi, và bây giờ thì bơi như con cá kình. Mỗi ngày đi fitness là phải bơi đủ 50 vòng hồ để giử eo 😀

  10. Imagine Tháng Mười Hai 21, 2009 lúc 2:26 sáng #

    thôi, bơi là em thua. đầu hàng vô điều kiện! 😦

  11. Anonymous Tháng Mười Hai 21, 2009 lúc 4:21 sáng #

    hồi nhỏ đi học bơi, thầy cho chìm nghỉm như cách trên chẳng thèm vớt, uống một bữa nước no nê, thầy kéo lên bảo: chiều nay khỏi cần ăn cơm! Ngày hôm sau từ giã luôn thầy, từ giã luôn tham vọng biết bơi, hixhix…

  12. Anonymous Tháng Mười Hai 21, 2009 lúc 4:25 sáng #

    Vào thời điểm này em thích đọc anh Phú nhất.Năm sau sẽ áp dụng chiêu này xem sao, vì bây giờ mới chỉ biết bơi ếch.nguoilavuaden.

  13. Đàm Hà Phú Tháng Mười Hai 21, 2009 lúc 4:40 sáng #

    Thanks các bạn.Mỗi năm có biết bao nhiêu người chết vì không biết bơi hoặc bơi yếu, hẳn đều do tâm lý "sợ nước", "sợ chìm".Nếu có điều kiện, không cần thầy, cứ thử buông tay chân và làm như cách trên. Tôi bảo đảm là không chìm. Khi đã thấy thoải mái hơn trong nước, chỉ cần ngước mặt là hít được không khí, úp mắt xuống thở ra. Muốn di chuyển thì khua tay, đạp chân. Thế là bơi.Giống như khi bạn tập đi, cái khó là giữ thăng bằng, khi đã đi lại thoải mái, việc giữ thăng bằng có cần thiết nữa đâu, nó thành "tự nhiên" rồi

  14. La Gàn Tháng Mười Hai 21, 2009 lúc 8:56 sáng #

    He he. Hồi nhỏ dân xứ biển con nít có được ai dạy bơi đâu. Muốn cho nó biết bơi thì dễ lắm. Dụ ra ngoài nước quá đầu, sau đó buông tay nó ra thì tự động phản xạ nó sẽ nổi, chỉ cần trong một buổi chiều thế là biết bơi. Mình cũng được thằng bạn dạy cho biết bơi như thế.

  15. merhabaery Tháng Mười Hai 21, 2009 lúc 1:30 chiều #

    Em cũng ở biển. Hồi nhỏ ba công kênh trên vai, ra xa xa rồi quăng em xuống. Lúc đó sợ khóc tùm lum. Bị quăng vài lần rồi tự nổi luôn. Sau đó ba mới dạy em cách thở rồi bơi đúng kỹ thuật.Em thấy trước hết phải tập cho không nhát nước. 😀

  16. E-Bơi Tháng Mười Hai 21, 2009 lúc 2:36 chiều #

    Hi Người Lữ hành kỳ dị,Đại Tao tôi mạo muội viết mấy lời (hơi dài) về bơi, bởi cách học bơi của Người lữ hành kỳ dị có nhiều cái giống với cái Đại Tao và Trung tâm E-Bơi đang làm (www.eboi.vn).Hiện nay ở VN, hàng năm có nhiều trẻ em chết đuối. Theo số liệu của các Sở LĐTB&XH, năm 2008, có khoảng 20.000 trẻ em bị chết đuối. Người ta cho rằng chết đuối là do kô biết bơi, muốn không chết đuối phải học một kiểu bơi nào đó. Nhưng kô phải ai cũng có điều kiện xuống nước học bơi trong điều kiện hiện nay (thiếu bể bơi, thiếu người dạy, kô có thời gian, sách vở, điều kiện kinh tế,môi trường sống…). Vì vậy nếu cứ tiếp tục học bơi theo cách truyền thống thì số người, trẻ em bị chết đuối vẫn tăng với sự tăng dân số. Đại Tao tôi, từ nhỏ học bơi kô ai dạy, bắt đầu bằng bơi chó, loay hoay học mót chúng bạn. Cho tới mấy chục năm sau vẫn dốt… bơi vì cũng thấy kô cần thiết phải bơi khá hơn, cho dù chiều chiều ra bể bơi gần nhà bơi ít phút thư giãn. Cho đến một ngày cuối năm 2006, được tin 20 em học sinh bị chết đuối do đắm đò tại Chôm Lôm Nghệ An, Đại Tao nghĩ có lẽ phải làm gì đó để cải thiện tình hình.Thế là đọc và tìm hiểu về bơi lội và phòng chống chết đuối. Kết quả là bây giờ Đại Tao tôi đã cùng một số bạn trẻ lập ra Trung tâm E-Bơi để dạy và học bơi bằng tư duy và trí khôn, học bơi trên cạn.E-Bơi cho rằng bơi phải xuống nước, còn học bơi có thể học trên cạn. Dường như học bơi trên cạn là một cuộc cách mạng trong phòng chống chết đuối, là một cách tạo ra cái mới từ những cái đã biết. Việc học bơi trên cạn không tốn kém, kô tốn thời gian và có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ đâu, bởi cái người ta cần là “Trí khôn”, cái này ai chả có. Hiện E-Bơi đã đạt được một số kết quả nhất định. Cách tiếp cận của E-Bơi là Tạo hoá đã ban cho con người “Trí khôn” và rất nhiều khả năng phòng chống chết đuối bẩm sinh khác. Nếu con người biết sử dụng chúng thì ngay cả người không biết bơi vẫn có thể sống sót khi rơi xuống nước. Các khả năng đó là: Phổi là phao cứu sinh; Tay chân là mái chèo; Khối lượng riêng trung bình của người và khối lượng riêng của nước là tương đương nên rơi xuống nước người ta không chìm mà nổi; Tư thế Bập bênh bán an toàn sát mặt nước… Cái E-Bơi làm chỉ là giúp mọi người kích hoạt các khả năng tiềm ẩn trong mỗi người, kích hoạt nội lực chứ không trông chờ vào ngoại lực. Kích hoạt như thế nào thì mời những người quan tâm vào xem tiếp tại http://www.eboi.vn. Có thể nói, cách thả nổi của Người lữ hành kỳ dị là một cách khá hay, nhưng có ối người sợ nước đến nỗi, không dám xuống nước, nói chi bình tĩnh thả nổi. Cái này E-Bơi chứng kiến nhiều rồi. Vì vậy đầu tiên phải chữa bệnh sợ nước, chưa hết sợ nước, chẳng dám xuống nước để hít sâu vào thả nổi. Linh tinh chuyện bơi với trí khôn giờ lan man sang chuyện “bơi” ở đời. Đời là một bể bơi lớn và người ta bơi nhanh bơi chậm, chìm hay nổi, tới đích hay không là do người ta có biết người ta, người ta có hiểu biết người khác, người ta có biết thời biết thế hay không. Do không ai giống ai, nên nếu chỉ dùng một cách daỵ bơi bắt toàn dân thiên hạ học thì chắc vẫn ối người muốn bơi mà không bơi được, rồi muôn đời ghét kiểu học bơi như thế, rồi không thèm bơi nữa. Bơi có nhiều kiểu: bơi ếch, sải, bướm… Trong một kiểu bơi ếch, người ta bơi cũng rất khác nhau. Bơi ở đòi phải chăng cũng nên có nhiều kiểu, kiểu của anh anh bơi, kiểu của tôi tôi bơi. Đại Tao mạo muội nhiều lời, có gì xin thiên hạ đại xá.

  17. Đàm Hà Phú Tháng Mười Hai 21, 2009 lúc 2:45 chiều #

    Cảm ơn các bạn đã đóng góp@ E-boi Đại Tao: Việc làm của bạn thật thiết thực và ý nghĩa, những lời của bạn nói ở đây làm tôi cảm kích vô cùng. Xin cảm ơn bạn.Cầu mong cho việc dạy bơi của bạn, của tôi, của tất cả mọi người, bằng bất cứ phương pháp gì cũng thành công để không còn ai phải chết vì không biết bơi.Rất vui được làm quen với bạn

  18. Chu Chỉ Mỵ Tháng Mười Hai 21, 2009 lúc 7:48 chiều #

    em cũng tập mãi mà không biết bơi. nhưng mà biết thả nổi khi nằm ngửa, hihi

  19. Van Ngo Tháng Mười Hai 22, 2009 lúc 2:11 sáng #

    Một bài viết thật chí lý, có người dành trọn cả đời mình để nỗ lực làm nổi cuối cùng lại chết chìm trong vũng nước nhỏ.Bể bơi, hồ, sông, biển cũng như dòng đời.Tại hạ đọc cuốn "Người lữ hành kỳ dị" 2 lần rồi nhưng vẫn chưa hiểu được ai mới là con người đích thực của tiêu đề cuốn sách. Có lẽ phải đọc chậm lại một lần nữa.Xin cảm ơn.

  20. Phạm Anh Tuấn - E-Bơi Tháng Mười Hai 22, 2009 lúc 3:36 sáng #

    Hi, bạn Phú và các bạn: Đại Tao tôi rất vui được làm quen với bạn Phú, chủ nhà và các bạn quan tâm tới bơi lội.Hiện E-Bơi đã lập ra một quy trình dạy bơi như sau:TRÊN CẠN (~4-6 buổi, mỗi buổi 90 phút)1 – Phỏng vấn, kiểm tra phân loại người theo khả năng bơi lội (sợ nước – không sợ nước; Khéo – Không khéo…) để đưa ra một giáo án dạy bơi thích hợp.2 – Cung cấp cho người học kiến thức về cơ thể và các khả năng phòng chống chết đuối bẩn sinh mà tạo hoá ban cho con người (Biết mình – Kích hoạt khả năng bẩm sinh); 3 – Cung cấp cho người học kiến thức về môi trường sông nước liên quan tới bơi lội và phòng chống chết đuối(Biết nước); 4 – Giúp người học hiểu về bản chất các động tác bơi lội(Biết cách hành động; 5 – Luyện tập chữa bệnh sợ nước, luyện tập kỹ thuật hít thở, thả nổi, các động tác bơi ếch, bơi sải. (Cái này tưởng như vô lý nhưng lại rất chi là có lý).DƯỚI NƯỚC: (2 buổi)1 – Làm quen với môi trường nước gồm hít thở, thả nổi tại chỗ nước nông. Kiểu thả nổi như bạn Phú đề nghị là một cách rất hay.2 – Luyện tập bơi ếch, bơi sải theo các động tác đã tập trên cạn.Khi người tập đã biết mình, biết nước, biết bản chất của động tác bơi lội, được thực hành 2 buổi dưới nước, thì họ có thể tự học tiếp nhớ các kiến thức có trong http://www.eboi.vn để nâng cao trình độ mà không cần thày dạy nữa.Nhân đây, E-Bơi có một đề nghị cùng bạn Phú và các bạn quan tâm đến bơi lội: Với sứ mệnh (tự đặt cho mình): "Để không còn trẻ em nào bị chết đuối", E-Bơi mong muốn các bạn cùng E-Bơi tuyên truyền và phổ biến các kiến thức liên quan đến học bơi, học phòng chống chết đuối rộng khắp tới cộng đồng xã hội.Trân trọng

  21. binh Tháng Mười Hai 22, 2009 lúc 5:11 sáng #

    Vậy là anh tự dồn mình vào đường cùng rồi. Vì đàn ông như mình không bao giờ nói là biết bơi cả. Khi xưa có người hỏi tôi rằng : "nếu cả mẹ và vợ cùng rớt xuống nước thì nên cứu ai ? Cứu vợ thì bất hiếu, cứu mẹ thì bất nghĩa…." Chỉ chút đùa vui. Mong được quen biết.

  22. dualeone Tháng Mười Hai 23, 2009 lúc 5:35 sáng #

    Bài này hay quá 😡

  23. Opensources fan Tháng Mười Hai 23, 2009 lúc 6:37 sáng #

    Vợ và mẹ rớt xuống nước, đương nhiên là cứu mẹ rồi, xong nhảy xuống chết theo vợ cho trọn tình trọn nghĩa 🙂 đúng hem nè.

  24. Dã Quỳ Tháng Năm 20, 2010 lúc 3:09 chiều #

    Học ké ở đây được thêm một chút nữa. Cám ơn anh Phú và mọi ng` nha.

  25. Tranhung09 Tháng Bảy 11, 2010 lúc 7:36 sáng #

    Đọc bài này, mình nhớ lại: Thời đóng quân ở Tỉnh đội, 4 năm tập bơi theo kiểu trường sấp và ếch. Rồi tính là được, nhưng không dám bơi thử ra Hòn Tre. Sau này đi tắm nơi khác, so sánh, dân Nha Trang nhiều người bơi chuẩn và xa vài trăm mét, một cây số là chuyện thường.Thế hệ trước gần thiên nhiên nên nhiều người biết bơi hơn các cháu bây giờ. Ngày xưa hầu hết biết bơi do tự phát, bạn bè chơi ngón nào là theo ngón đó. Sém chết đuối vài lần là cái giá tất nhiên, nghĩ lại nguy hiểm quá!Cách dạy bơi của Phú đơn giản, không ngờ! Bơi là môn thể thao cần phổ biến rộng rãi, nó giúp cơ thể phát triển toàn diên và phòng thân khi có bất trắc.

  26. Đàm Hà Phú Tháng Bảy 12, 2010 lúc 2:42 sáng #

    @Tranhung09: Chào bác. Mừng bác tới chơi nhà.

Gửi phản hồi cho Anonymous Hủy trả lời