chuyện nhỏ ở Sài Gòn (4)

8 Th9

1.
Hẻm chật, lại đông đúc, chủ yếu là dân lao động, nhà lụp xụp san sát. Có một đoạn giữa hẻm phình ra, rộng hơn mấy chỗ khác được chiếm dụng làm một cái quán phở nhỏ. Chủ quán là ba mẹ con, chính xác là bà ngoại, mẹ và đứa con gái trạc mười lăm mười sáu tuổi, hai người lớn đều bị chồng bỏ theo vợ bé, chuyện đó cả hẻm ai cũng biết.
Quán phở rất đông khách, nhất là buổi sáng trước giờ đi làm và buổi chiều tối, chủ yếu là bưng đến tận nhà cho khách nhưng cũng có khi khách đến bàn ngồi, có lẽ là để có dịp nói chuyện với chủ quán, vốn rất sởi lởi và hay chuyện. Quán chỉ có hai bàn, được gọi tên là bàn số Ba và bàn số Sáu, hỏi bà chủ sao đặt kỳ vậy, bả cười lớn: vậy cho nó xôm. Buổi tối nghe bà chủ nói chuyện sang sảng, thỉnh thoảng lại hét cô con gái: tái bàn Ba nè, hoặc gân bàn Sáu sao chưa bưng…
Khoảng sau 10 giờ đêm thì quán mới thực sự đông, lúc này nồi phở đã cạn, thịt bánh cũng đã hết, chỉ còn chút nước lèo, xí quách. Lúc này khách ăn phở đã vắng, chỉ còn khách đến nói chuyện, đây là những khách hàng đặc biệt, hầu hết họ đều được ăn miễn phí. Có người bưng tô cơm nguội ra xin chan chút nước lèo ngồi ăn, có người ngồi gặm xí quách hoặc ăn mấy miếng gân còn dư chấm với tương đen. Đó là những phụ nữ bán hàng đêm về, vài chị công nhân vệ sinh, mấy bà già bán vé số… họ xúm vào ăn uống, chuyện trò rồi cùng phụ chị chủ quán dọn dẹp, rửa tô, chùi nồi.
Những người khách đặc biệt ấy, họ kể cho bà chủ quán nghe chuyện này chuyện nọ, chuyện của họ hoặc chuyện họ thấy trên đường. Thỉnh thoảng thấy bà cười ha hả, có lúc thì ngậm ngùi, đôi lúc chưa nghe dứt chuyện đã chửi ỏm tỏi: ĐM, thằng đó gặp tao hả, chết mẹ nó…
2.
Bạn Thắm thỉnh thoảng vẫn đi taxi, thường chỉ đi đoạn ngắn, sau đây là hai chuyện liên quan đến taxi mà bạn Thắm góp vô.
Chuyện 1:
Lên xe gặp bác tài lớn tuổi, chào hỏi, kể chuyện rôm rả. Bác tài hỏi coi Thúy Nga không, để tui mở coi, đĩa mới nè, đĩa gốc luôn đó. Hỏi sao bác có đĩa gốc. Kể rằng hổi nãy có bốn đứa nhỏ mướn xe đi chơi, mấy đứa thiệt là dễ thương, đưa cái đĩa DVD gốc mở nhạc coi. Đi một vòng hết 205 ngàn, tụi nó đưa 250 ngàn luôn, lại còn cảm ơn bác tài và tặng lại cái đĩa. Kết luận: nghề này cực khổ lắm, thỉnh thoảng gặp khách dễ thương cũng an ủi phần nào.
Xe đến nơi, chỉ có 30 ngàn nhưng bạn Thắm chỉ còn 20 ngàn lẻ. bạn Thắm loay hoay định đi tìm chỗ đổi tiền thì bác tài nói: thôi đưa hai chục được rồi cô, coi như mấy đứa nhỏ hồi nãy phụ cô chỗ còn thiếu.
Chuyện 2:
Một hôm bạn Thắm đi chợ giữa trưa, ra đến chợ và chọn hàng xong thì mới nhớ là mình quên mang tiền. Khó xử vì hàng thì cần mua gấp mà chả lẽ lại phải quay lại công ty lấy tiền vì món hàng cũng không lớn. Bạn Thắm bước ra đường, vẫy một chiếc taxi và nói với bác tài: anh có thể cho em mượn tiền trả tiền đồ rồi lát chở em về lấy tiền luôn thể. Bác tài vui vẻ móc ví được hơn hai trăm đưa cho bạn Thắm. Bạn Thắm cầm tiền bước vô chợ mà cứ thắc mắc sao anh tài xế lại dễ tin người thế nhỉ. Rủi người ta lừa ảnh thì sao
Lúc ra, lên xe hỏi anh tài xế có sợ tui lừa lấy hết tiền không. Anh chỉ cười.
3.
Có một con đường nhỏ, hơi xuôi dốc, thường khá vắng nhưng lại nối hai con đường tấp nập ở trung tâm thành phố, nơi được mệnh danh là phố Nhật, với rất nhiều nhà hàng Nhật và khách sạn dành cho khách Nhật. Hai bên đường thường làm chỗ đậu xe hơi, chủ yếu cũng là xe của các xếp Nhật đến ăn uống hoặc làm việc.
Trước ở đây có một quán café cóc, chủ yếu phục vụ cánh tài xế vẫn đậu xe trên đường này. Quán có rất nhiều ghế nhựa, loại nhỏ và nhiều màu để cho khách ngồi hoặc đặt mấy ly café, vài tờ báo. Café giá bình dân, chủ quán cũng dễ thương, trà đá miễn phí, khách ngồi bao lâu cũng được, đọc báo hoặc bắt chuyện lẫn nhau.
Quán có một cái ghế gỗ nhỏ, có lẽ được làm từ gỗ tốt nhưng đã  cũ kỹ và xộc xệch. Chiếc ghế này được đặt ở sát vỉa hè và chủ quán thường không cho ai lấy ngồi cả, cứ để nó nằm ngoài nắng ngoài mưa vậy thôi. Một việc hơi lạ.
Một tài xế ngồi gần đó cho tôi hay: đó là cái ghế bắt cướp. Bọn cướp giật rất hay ra tay khu này, nạn nhân chủ yếu là các du khách người Nhật, các bà và các cô, chúng giật túi xách, điện thoại, camera của họ và phóng xe chạy rất nhanh. Chủ quán để cái ghế đó, ai ngồi gần hoặc ai thấy trước thì dùng nó mà ném vào xe bọn cướp, có khi bắt được có khi không, lúc trước thì bắt được nhiều, sau này thì ít dần. Có lẽ bọn cướp đã ngại cái ghế nên chuyển địa bàn. Các bà các cô người Nhật cũng yên tâm hơn.
4.
Có nhiều chuyện về dân nhậu, chủ yếu là chuyện xấu, nhưng nhậu ở Sài Gòn cũng nhiều bữa vui, đa số là vui.
Mới đầu buổi chiều chỉ có hai anh em ngồi uống bia nói chuyện đá banh, bàn bên kia cũng nói chuyện tương tự, vậy là hai bàn gom lại làm một, lát sau thì cái tụ nhậu đó đã thành một vòng tròn lớn. Uống đi, bữa nay vui, tiền thì lát nữa “cam bu chia” sau. Mấy ông mặt đỏ phừng phừng tranh nhau làm HLV cho đội tuyển VN, rồi cuối buổi nhậu lại trở thành một ban nhạc cổ động bóng đá ầm ĩ, lúc này thì tất cả các bàn trong quán đều hát chung hoặc cùng nâng ly.

Có lần một anh bạn tôi uống say quá, được một bạn nhậu chở về tận nhà. Quay tới quay lui tìm đường cuối cùng thì cũng gõ cửa đúng nhà để giao lại anh bạn tôi cho gia đình. Khi vô nhà gặp chị vợ, anh bạn nhậu tốt bụng còn bàn giao phiếu gửi xe, bóp tiền, điện thoại cho chị vợ rồi mới cáo từ. Sáng hôm sau anh bạn tôi tỉnh rượu mới kể chuyện này cho tôi nghe, anh nói thực ra người đưa anh về nhà hôm qua là một người không hề quen biết. Anh chỉ gặp anh ta lúc cùng đi vệ sinh. Khi ra về, người kia thấy anh quá xỉn, nên đã kêu anh gửi xe lại quán và hỏi địa chỉ để chở anh về nhà. Chẳng phải bạn bè chi đâu.
5.
Xin phép dừng chủ đề này vì đã cạn vốn, bạn nào có chuyện hay thì bổ sung nhé. Tôi sống gần 20 năm ở SG, tất nhiên cũng biết lắm chuyện để kể, những “chuyện nhỏ” mà nghe để vui, để yêu đời và yêu Sài Gòn thì còn nhiều, nhiều lắm. Hãy cùng kể nhau nghe nhé.

11 bình luận to “chuyện nhỏ ở Sài Gòn (4)”

  1. rita Tháng Chín 8, 2011 lúc 7:45 sáng #

    Đọc chiện nhỏ của anh Phú xong, muốn nhậu quá trời. He he.

  2. NLVD Tháng Chín 8, 2011 lúc 8:36 sáng #

    hahahakhoái cái ghế bắt cướp quá.

  3. VT Tháng Chín 8, 2011 lúc 11:26 sáng #

    Khoái cái bà bán phở chửi thề…hahaha…thật hào sảng,hào sảng…hahaha…

  4. Nhà Quê Tháng Chín 9, 2011 lúc 4:48 chiều #

    Em cũng khoái cái ghế bắt cướp nhất!!!

  5. Hươngxưa Tháng Chín 14, 2011 lúc 12:34 sáng #

    hi người Sài gòn 🙂

  6. Đàm Hà Phú Tháng Chín 14, 2011 lúc 2:35 sáng #

    @Rita: rủ anh xã nhậu kìa :)@NLVD, Nhà Quê: mình được chứng kiến một buổi bắt cướp hụt bằng cái ghế đó, rất ngoạn mục@VT: bà đó có nhiều chuyện vui lắm, lúc nào rảnh kể tiếp :)@Hương: hi người Sài Gòn, ở xa

  7. Thanh Nguyen Tháng Chín 15, 2011 lúc 8:24 chiều #

    Để tui phụ một chuyện đọc được ở một trang web của nick langxettu."Hồi mẹ mình sinh em bé, mình theo ba đi chợ (Bến Thành) mua chân giò về hầm. Chặt, cân, gói xong rồi, nghe mình và ba nói chuyện, biết là mua cho bà đẻ ăn, thế là bà bán tháo ra, nói cái gì là nái xề không tốt, không bán và chỉ dẫn sang hàng thịt khác. Hai ba bà hàng thịt cạnh cũng nói với theo nhiệt tình.Ba mình về tấm tắc khen người nam sống có tâm linh."http://www.updatesofts.com/forums/showthread.php?p=1859602Trích từ:

  8. Thanh Nguyen Tháng Chín 15, 2011 lúc 9:23 chiều #

    Xin góp vốn đã cạn với ông chủ blog câu chuyện từ bạn bè tôi. Trong một bữa nhậu ăn giỗ ba của bạn tôi, không hiểu câu chuyện đưa đẩy làm sao mà tới chủ đề "ngông". Má bạn tôi mới kể cho cả đám nghe về cái "ngông" của ba bạn tôi, giọng kể của bà rất vui vẽ sảng khoái. "Hồi ba thằng C còn sống nè, mấy đứa có biết hông……có lần ổng…."Buổi sáng theo thói quen của dân Sài Gòn có cái tật đi uống cà phê, hôm nay tự nhiên ông nổi hứng diện bộ đồ tây vải nhập mới may cáu cạnh mà đi. Gần giờ sau ông về nhà, ngực trần, chân đất chỉ còn cái quần đùi trên người. Bị hỏi ủa chuyện gì, mà bộ đồ ông đâu mà ông chỉ còn cái quần đùi vậy nè. Ông trả lời, có gì đâu, ngồi uống cà phê, thấy có một thanh niên quá nghèo than hôm nay có hẹn đi gặp ông chủ xin việc làm mà không có được một bộ đồ sạch sẽ để mặc đi cho đàng hoàng. Vậy là ông trả tiền cà phê cho cậu thanh niên đó và lột luôn bộ đồ mặc trên người với đôi sandals tặng luôn cho anh thanh niên không quen biết kia, rồi ở trần tà tà cuốc bộ về nhà. Bà xã thì than, ông thiệt là. Bộ đồ vải nhập mắc tiền còn phải tốn tiền mướn thợ may giỏi may cho ông mà ông không tiếc. Ông tiếp, thằng đó nó không tính đi mới ngồi uống cà phê rầu đời, nhưng khi tui nghe chuyện hỏi giờ giấc tui thấy còn kịp giờ nên sẵn tui đưa cho nó mặc để nó còn đi gặp người ta cho kịp giở. Mình không có bộ này thì còn bộ khác, người ta không có việc làm thì người ta chết đói thì lương tâm tui tui chịu không chịu được. Hết chuyện tôi thấy má bạn tôi nhìn bâng quơ đâu đâu rồi tự mĩm cười.Tui không phải nhà văn nên nhớ sao viết vậy.

  9. Đàm Hà Phú Tháng Chín 19, 2011 lúc 7:34 sáng #

    @Thanh Nguyen: Cảm ơn hai câu chuyện thật hay và thật ấm lòng từ bác, bác viết còn hay hơn cả nhà văn ấy chứ 🙂

  10. Anonymous Tháng Chín 21, 2011 lúc 9:37 sáng #

    Người Hà Nội nghe chuyện Sài Gòn thấy ham quá. Khâm phục cái tính khí hào sảng của người Sài gòn.

  11. Trâm Lê Tháng Chín 28, 2011 lúc 8:04 sáng #

    Anh Phú đừng dừng mà kể tiếp mọi người nghe nha. Gái ít comment nhưng đọc đều đặn lắm.Chuyện của gái nhỏ xíu xiu thôi nhưng cũng góp ké vào đây:1. Lần đó nhỏ em gái kết nghĩa từ Hà Nội vào chơi. Lúc chở em nó về khu Bình Tân thì mưa gió bão bùng, ngập lụt lầy lội tới hơn nửa bánh xe luôn. Mà ngập thì dĩ nhiên là tắt máy dắt bộ. Hai chị em không có áo mưa, hì hục đẩy cái xe nhích từng chút một. Một anh trai từ đâu xuất hiện bảo dắt giùm cho, dắt ra tới chỗ hết ngập lại còn đề máy thử, rú ga đẩy khói đen đến khi chắc chắn là xe chạy được mới thôi. Chỉ mới kịp nói hai chữ cám ơn là anh ấy đã chạy tít lên lề dắt xe của anh chạy đi.2. Hồi học cấp 2 đạp xe đạp đi học. Lúc qua đường bị xe honda quẹt ngang té cái xoẹt. Chưa kịp định thần thì bà con xung quanh đã xử lý xong hết. Mấy chú xe ôm thì lao ra chặn người và xe kia lại. Mấy chị thuốc lá thì nào dầu xanh dầu gió dầu cù là. Mình chỉ bị trầy nhẹ mà hai bên hai người đỡ mình đi vào lề, người xoa dầu người phủi tay chân. Thêm hai anh hì hụi kiểm tra xe đạp nào cổ xe nào sên xe nào bàn đạp. Nhất định hỏi mình có sao không rồi mới cho xe kia đi.3. Nhỏ em mình hồi xưa phải băng qua đường đi học. Và ngày nào cũng vậy, từ bên này đường thì có chị bán thuốc lá dẫn qua bên kia, từ bên kia thì có chú xe ôm dẫn lại. Hôm nào có một trong hai người nghỉ thì người kia sẵn sàng kiêm luôn, miễn là luôn có người dắt con bé qua đường.4. Câu chuyện của bác ba gác chở 5 bao tải hàng cứu trợ khổng lồ (loại lớn nhất) trên cái xe ọp ẹp của bác. Bác chở tới nơi còn phụ bưng xuống. Lúc dỡ hàng gái còn thấy rõ thành xe như sắp gãy, sàn xe kêu ót ét như sắp sập. Gái không cầm được lòng đã móc túi ra thêm hai chục ngàn đưa cho bác. Bác cười khẩy chỉ lấy tờ một trăm và nói "bác nói một trăm thì lấy một trăm thôi, tiền đó tụi con để giúp dân bị lũ lụt, bác có giúp được gì đâu".5. Câu chuyện của cô Hà – cô bán áo quần ở một sạp bé xíu trong chợ Tân Bình – mà gái đã viết năm ngoái:"Chính trong cơn mưa tầm tã chiều nay, cô xuất hiện trước nhà tôi trên chiếc xe cub 50 cũ kỹ, ướt nhem dưới lớp áo mưa màu xanh dương, đem qua cho tôi 75 cái áo ấm trẻ con mà cô gom được. Mắt tôi gần như đã đỏ mà chỉ may mắn là không ai phát hiện ra. Tôi nắm bàn tay lạnh ngắt của cô và thấy cả hai chữ cám ơn cũng trở nên lắp bắp…Tôi thấy mình thật vô dụng khi chẳng làm gì được để giúp cô gom tiếp cho đủ 700 cái áo ấm. Với cái giá rẻ bèo mà không nơi nào khác có được, cô vẫn nhận lời chạy khắp nơi gom áo đẹp áo tốt cho tôi tặng mấy đứa nhỏ tận miền Trung xa xôi.Cô không biết những đứa trẻ ấy, chúng nó cũng sẽ không bao giờ biết đến cô khi cầm chiếc áo ấm xinh đẹp trong tay. Nhưng tôi thì sẽ nhớ mãi bàn tay vĩ đại của người phụ nữ ấy. Chắc chắn như vậy!"

Gửi phản hồi cho Hươngxưa Hủy trả lời