Việc học

2 Th7

Từ ngày viết blog, có lẽ do tôi quá nổ về mình, nên chắc nhiều bạn đọc tưởng tôi cao siêu lắm. Và kèm theo sự ngưỡng mộ ảo đó, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận email nhờ tư vấn về việc học, việc làm và về khởi nghiệp kinh doanh. Tôi vẫn rất nhiệt tình trao đổi với các bạn bằng email, tôi nói hết với các bạn những kinh nghiệm của tôi, những kiến thức mà tôi cóp nhặt được trong nhiều năm đi làm của mình.

Nhưng tôi cũng rất ngại. Thật đấy. Vì tôi từng học rất dốt. Vì tôi còn chưa có bằng đại học. Vì tôi chưa từng tham gia một khóa học nào, dù là ngắn nhất, một cách nghiêm túc. Vì tôi thực sự chưa hề có ý thức trong việc học, nếu không nói là gần như vô thức. Điều tôi biết, là tự nhiên tôi biết mà thôi, như bản năng vậy.

Việc học của tôi được cha mẹ tôi luôn nhắc lại với những cái lắc đầu, những tiếng thở dài ngán ngẩm. Mà bây giờ con tôi nó cũng học như thế, tôi cũng khuyến khích bé học như thế, và những cái lắc đầu, thở dài ngán ngẩm lại tiếp tục…

Tôi kể chuyện học ”siêu phàm” của mình cho bạn nghe.

Tôi không học lớp một, bắt đầu vào trường là học lớp hai. Do đó có thể xếp tôi vào dạng “mất căn bản mẫu giáo”.

Học cấp một – cấp hai, đối với tôi là một kỳ nghỉ hè bất tận. Ký ức về nó chỉ là chơi, chơi và chơi…Tôi bị luôn bị xếp vào hạng trung bình yếu, cuối năm lúc nào cũng ngấp nghé ở mức “lưu ban”, nhưng may mắn là tôi chưa hề bị lưu ban, có lẽ là do tôi luôn tình nguyện đến quét sân trường vào ba tháng hè.

Tôi phải thi vào cấp ba. Lúc đó ở Nha Trang trường cấp ba danh giá nhất là trường Lý Tự Trọng (Võ Tánh), ngôi trường cổ kính, rộng rãi nằm trên con đường vắng chạy thẳng ra biển, hai bên có hai hàng cây xà cừ to, quanh năm bóng mát. Mẹ tôi luôn nhắc đi nhắc lại về mơ ước thấy con mình mặc áo trắng đến ngôi trường ấy. Tỉ lệ chọi của ngôi trường ấy rất cao, thường là 1-10. Thế là tôi cố thi cho đậu. Vừa đủ đậu.

Tôi học ba năm cấp ba ở ngôi trường mơ ước ấy, cũng giống như những năm trước, kết quả học tập của tôi chỉ dừng ở mức nhỉnh hơn mức phải “lưu ban”. Các thầy cô giáo ở đây vẫn còn nhớ đến tôi, họ nhớ đến một học trò học giỏi văn nhất trường nhưng tuần nào cũng ngồi ở phòng hiệu phó vì tội “đánh nhau”. Có nhiều chuyện về tôi mà mỗi khi họ gặp lại tôi, họ vẫn không thể quên được, dù bao nhiêu thế hệ học trò đã đi qua đời họ.

Điển hình là chuyện cuốn vở. Cuốn vở ấy thực ra là cuốn sổ kho của mẹ tôi, cuốn vở to, giấy trắng, ô li nhỏ, bìa dày, chừng 250 trang. Cuốn vở ấy là cuốn vở duy nhất mà tôi dùng để đi học trong suốt ba năm cấp ba. Tôi khác biệt với các học sinh khác, tôi không mang cặp, tôi không có sách, tôi chỉ có một cây viết cắm ở túi áo và cuốn vở bất hủ ấy nhét trong túi quần. Cuốn vở ấy dùng cho tất cả các môn học, mỗi môn học tôi dùng vài tờ, mỗi ngày học tôi viết vài dòng, chỉ có các ký hiệu mà chỉ tôi mới hiểu hoặc những dòng cảm thán kiểu như “buồn ngủ quá”, “đói quá” hoặc “thằng chó K, chiều nay sẽ đập mày một trận…”. Dù bị đe dọa, bị kiểm điểm các kiểu, tôi vẫn chỉ đi học với một cuốn vở duy nhất, với cách chép bài của riêng tôi.

Câu nói bất hủ của tôi: “Học giỏi không phải là thi được 8,9,10 điểm. Học giỏi là thi được đúng 5 điểm”. Điểm thi của tôi thường đạt 5 điểm. Cho dù cả bài thi 10 câu tôi đều có thể làm đúng hết, nhưng để bảo vệ quan điểm dị hợm của mình, tôi chỉ làm 5,6 câu rồi xin ra ngoài sớm uống café. Bạn bè, thầy cô, gia đình tôi đều lắc đầu với chuyện này. Nhưng riêng môn văn thì khác, môn văn tôi luôn đạt cao điểm nhất, luôn là 9, 10. Thi học sinh giỏi văn toàn tỉnh tôi cũng đạt điểm 10, thi tốt nghiệp PTTH cũng là điểm 10.

Một năm, nhà trường qui định học sinh được nghỉ không phép tối đa là 7 ngày và nghỉ có phép tối đa là 45 ngày. Năm nào tôi cũng nghỉ đúng 45 ngày, không bao giờ ít hơn. Có năm, tôi cạch môn Lý, thế là cả năm đó cứ đến tiết Lý là tôi nhảy cửa sổ ra ngoài uống café.

Trường tôi, tội đánh nhau lúc nào cũng là tội nhẹ nhất, và tất nhiên là tôi phải làm kiểm điểm vì tội này nhiều nhất. Thầy hiệu phó nói đùa: “một mình Phú làm nhiều kiểm điểm bằng cả khối cộng lại.”

Rồi cũng đến ngày tôi thi tốt nghiệp PTTH và thi đại học. Tốt nghiệp PTTH thì quá dễ rồi, nhưng còn thi ĐH thời của tôi thì thực sự là một cuộc chiến lớn. Mẹ tôi luôn mơ ước tôi làm bác sĩ, nên tôi thi vào trường ĐH Y Dược Tp.HCM, trường có điểm chuẩn cao nhất, tỉ lệ chọi cao nhất…Và bạn biết đấy, với thành tích một cuốn vở cho cả ba năm học thì điểm thi ĐH của tôi là 8 điểm, cho cả 3 môn thi.

Tôi quay về viết đơn xin đi nghĩa vụ.
Tôi trúng tuyển. Lên đường rồi bị trả về.
Tôi xin vào nhà máy làm công nhân, đánh quản đốc, bị đuổi việc
Tôi bán thuốc lá và vé số giúp mẹ tôi, lại đánh nhau.
Tôi lên núi, phá rừng làm rẫy.

Rồi một người bạn rủ tôi đi học đại học, học theo dạng “cử tuyển”, cũng có thi đầu vào, nhưng dễ hơn thi ĐH. Tôi khăn gói vào Sài Gòn học ĐH như mọi người.

Học đại học thật quá đã, không có giáo viên chủ nhiệm, không có hội đồng kỷ luật, không sổ đầu bài, không điểm danh… nên tôi chỉ xuất hiện ở lớp vào ngày thi, mà đôi lúc tôi cũng quên mất không xuất hiện vào ngày thi. Dĩ nhiên, tôi cũng tiếp tục thành tích học hành bất hủ như hồi cấp ba, phát huy hơn rất nhiều. Cũng một cuốn vở duy nhất, nhét trong túi quần, dùng cho tất cả các môn học và một cây viết dắt ở túi áo.

Tôi gần như không học hành gì cho đến năm thứ ba, cho đến ngày tôi gặp tình yêu của đời mình (xem trong: chuyện tình tự kể). Tôi chỉ bắt đầu học bài kể từ sau khi có Bản Cam Kết này.

Bạn biết đấy. Tôi xin nói thật rằng tôi học dốt. Nhiều lúc nhìn bạn bè của mình ai cũng thạc sĩ, tiến sĩ… tôi cũng hơi chạnh lòng. Ngay cả khi bên vợ mình, một người nổi tiếng với thành tích học tập, tôi cũng chạnh lòng lắm. Nhưng tôi nhanh chóng trở nên AQ ngay. Tôi đã học được nhiều cái ở một ngôi trường lớn hơn: Trường Đời.

Việc học của tôi, bây giờ nhìn lại, là một điều đáng kể nhất. Vì tôi tự xét thấy, nhờ học như vậy mà tôi khôn ngoan hơn bè bạn, già hơn trước tuổi. Nhờ học như vậy mà tôi dễ lăn vào đời, dễ sống, dễ bằng lòng với cái mình có hơn người khác. Và ở một góc độ nào đó, nếu bạn nói tôi thành công, thì một phần cũng nhờ việc học của tôi đấy.

40 bình luận to “Việc học”

  1. BeBo Tháng Bảy 2, 2010 lúc 4:29 sáng #

    Cá biệt quá!

  2. Thắm Tháng Bảy 2, 2010 lúc 4:39 sáng #

    Proficiency <=== kỳ tích, mặc dù vẫn ===> End. Go home 🙂 đầy trong tài liệu

  3. Đàm Hà Phú Tháng Bảy 2, 2010 lúc 4:47 sáng #

    @Chị Th: :)@Vợ: Ừ. Bằng CPE của ĐH Irvine là kỳ tích của anh khó có thể tái lập, nhờ em đó. 🙂

  4. Titi Tháng Bảy 2, 2010 lúc 4:54 sáng #

    Ừa, mình cũng thích con cái bi giờ học ít thôi, thay vào đó, được chơi và được tiếp xúc, va chạm nhiều, càng nhiều càng tốt. Cày cuốc lý thuyết cho toét mắt nhưng ra đời mà ngu ngơ, lờ đờ, zấm zớ… thì tội lắm 😛

  5. X30 Tháng Bảy 2, 2010 lúc 4:56 sáng #

    Biết học ở trường đời thì sẽ luôn thành công!

  6. NLVD Tháng Bảy 2, 2010 lúc 5:23 sáng #

    Hi hi, anh Phú cho em bình lựng bài này như này nha: Khoe kinh!

  7. Bobo Tháng Bảy 2, 2010 lúc 5:55 sáng #

    Chài!Ngưỡng mộ anh thiệt!

  8. LU Tháng Bảy 2, 2010 lúc 6:09 sáng #

    Mặc cảm cái giè…ko cần tốt nghiệp đại học mần chi, cứ để thế mà còn có cái giống Bill Gate.Lu đây là tự hào lắm đấy, ít nhất Bill Gate còn giống Lu một điểm –> chưa tốt nghiệp đại học :)))

  9. PTN Tháng Bảy 2, 2010 lúc 6:11 sáng #

    Đọc bác xong em càng chán mình tợn, học nhiều mà chả làm nổi gì !

  10. L2C Tháng Bảy 2, 2010 lúc 6:13 sáng #

    Thần kinh của bố mẹ P tốt quá.Sau Bill Gates, giờ lại đến lượt bố P minh chứng cho tầm quan trọng của việc học ở đời và ở trường.

  11. mooncakesg Tháng Bảy 2, 2010 lúc 6:56 sáng #

    @TiTi: hoàn toàn đồng ý với quan điểm của bạn đó.@Bác Phú: siêu quậy quá Bác ơi, đọc cười đau bụng á.

  12. Mùa hè rớt Tháng Bảy 2, 2010 lúc 9:07 sáng #

    Em hâm mộ tinh thần AQ của Bác Phú lắm ạ! Hâm mộ cả tính kiên nhẫn, dịu dàng của Chị Thắm nữa! Mẹ em vẫn bảo: đại học giờ nhiều như "lợn con", khối người bằng này bằng kia mà đã làm được gì cho đời? ^^Hoan nghênh tinh thần của Bác!!!

  13. Thuy Dam Minh Tháng Bảy 2, 2010 lúc 9:21 sáng #

    Giá mà tất cả các bạn trẻ học giỏi ở trường học bây giờ, có thêm một ít học giỏi ở trường đời như của Phú thì hay biết bao nhiêu!

  14. Mẹ Cua và Bống Tháng Bảy 2, 2010 lúc 9:28 sáng #

    Em cũng nghĩ rằng, điều quan trọng không phải học như một con vẹt trong trường ĐH, mà quan trọng là có ý chí, có lòng quả cảm và học giỏi ở trường đời…Đọc bài này của anh, càng thêm ngưỡng mộ anh và chị Thắm 🙂

  15. Land Tháng Bảy 2, 2010 lúc 10:09 sáng #

    Em thích ! Bữa nào cũng làm 1 entry kể chuyện học của em mới được, ít nhứt cũng được 50% anh ! hà hà..-Land-

  16. Taaman Tháng Bảy 2, 2010 lúc 1:03 chiều #

    Cúi đầu ngưỡng mộ bác nhưng tôi sẵn sàng quỳ gối trước mẹ và vợ bác, đáng trân trọng vô cùng!

  17. Đàm Hà Phú Tháng Bảy 2, 2010 lúc 1:40 chiều #

    @TITI: Muốn thế, nhưng vẫn chịu áp lực từ cấp chủ quản là các loại Ông, Bà nữa :)@X30: Thành công thì khong chắc, nhưng thấy dễ sống hơn :)@NLVD: Khoe and NỔ

  18. Đàm Hà Phú Tháng Bảy 2, 2010 lúc 1:41 chiều #

    @Bobo: 🙂 KHông hay đâu@Lu: Bắt tay nhé@PTN: Chưa được thôi bác, sẽ được 🙂

  19. Đàm Hà Phú Tháng Bảy 2, 2010 lúc 1:43 chiều #

    @L2C: Ông bà lúc ấy buồn lắm, nhưng cũng tin con nên không căng thẳng mấy@mooncakesg: Chữ "Siêu quậy" có vẻ hợp đấy :)@Mùa hè rớt: AQ mà, đã AQ thì coi trời bằng vung 🙂

  20. Đàm Hà Phú Tháng Bảy 2, 2010 lúc 1:45 chiều #

    @Anh Thụy: Hehe. Nói vậy chứ các bạn trẻ bây giờ cũng hay lắm, giỏi lắm, như cô gái bên nhà anh kìa :)@Giang: Thanks em@Land: Kể đi, sao anh còm vào nhà em dạo này không được, có thể do anh cài BKAV mới

  21. Đàm Hà Phú Tháng Bảy 2, 2010 lúc 1:46 chiều #

    @Taaman: Vâng, bác nói chí phải, tôi vẫn yêu thương và mang ơn hai người phụ nữ ấy 🙂

  22. Dã Quỳ Tháng Bảy 2, 2010 lúc 4:05 chiều #

    Đâu hẳn cứ phải học giỏi, có bằng này, cấp kia là NGON, là thành công đâu à. Bill Gates nào đã tốt nghiệp đại học. Tổng Thống Abraham Lincoln của Hoa Kỳ cũng xuất thân từ nông dân, nào có cần bằng cấp gì đâu (nếu tính tổng cộng thì ông ta chỉ học khoảng 18 tháng trong trường thui à). Nhưng TT Lincoln đã tự trau giồi và tự học là chủ yếu đấy thôi. TT Lincoln cùng tự đi lập nghiệp từ tuổi 21-22 đó mà. Sau đó thành vị TT lẫy lừng, nổi danh trong lịch sử HK đó. Ai dám bảo phải dùng bằng cấp, học vấn để đánh giá con người thì thật ……….sai lầm nhiều lắm rồi. Biết bao nhiêu người không cần 1 mảnh bằng nhét lưng mà vẫn làm nên sự nghiệp và nổi tiếng lắm à!Học được ở trường đời nói dễ nhưng còn thật khó gấp trăm/vạn lần trường học. Mà thật sự, khối người học đầy đủ ở trường học, có bằng cấp đủ cả mà có làm ra thể thống gì đâu à!

  23. Gauxx Tháng Bảy 3, 2010 lúc 12:09 sáng #

    vấn đề không phải là học ở đâu, trường hay đời, mà là học như thế nào. biết bác nổ nhưng mà vẫn hâm mộ 😀

  24. Đàm Hà Phú Tháng Bảy 3, 2010 lúc 2:38 sáng #

    @Dã Quỳ: Hì. BẠn DQ động viên quá dữ. Thanks@Gấu: 🙂

  25. Đỗ Tháng Bảy 3, 2010 lúc 3:08 sáng #

    Vậy thêm: "Người học trò kỳ dị"

  26. Phung Tran Tháng Bảy 3, 2010 lúc 6:03 sáng #

    Anh co dinh ke cho con nghe het cai " su nghiep an hoc ky di" cua minh k?

  27. NgocLan Tháng Bảy 3, 2010 lúc 6:38 sáng #

    hehehe, tui ngược với bạn Phú nha. Tui học giỏi trong suốt thời phổ thông, cho đến khi có người yêu. Còn cái điểm 5 có phải là điểm thi giỏi không tui không biết nhưng các môn thi tốt nghiệp đại học của tui đều là điểm 5, hahahaha. Xấu hổ ớn!

  28. Khuong Thuy Hanh Tháng Bảy 3, 2010 lúc 8:46 sáng #

    Cảm phục anh Phú về khả năng tự học, thật đáng ngưỡng mộ.

  29. Diên Hoàng Tháng Bảy 3, 2010 lúc 4:15 chiều #

    Cái này là đậu ĐH Dostoievski 🙂 Ra đời, có cái bằng dễ nói chuyện, nhưng có 1 cái bằng trên hẳng bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân… là cái bằng… lòng. 🙂 Có cái bằng lòng, làm chi cũng nên hết đó Phú 🙂

  30. Diên Hoàng Tháng Bảy 3, 2010 lúc 4:16 chiều #

    hẳn, wê wá, typo 🙂

  31. Đàm Hà Phú Tháng Bảy 4, 2010 lúc 2:18 sáng #

    @Đỗ: Hehe. Cái tít này cũng hay quá bác@Phung Tran: anh kể chứ, kể hằng đêm luôn :)@NgocLan: Cô giáo NL thì phải học giỏi rùi :)@KTH: Hehe. Cảm ơn@Ahh DH: Đúng là cái bằng..lòng là hay nhứt 🙂

  32. Land Tháng Bảy 4, 2010 lúc 3:47 sáng #

    Blogspot vẫn comment được bên em bình thường mà anh, chắc không phải lỗi blog em. Có mấy chuyện em tính hỏi anh, thôi để về rồi hỏi luôn.. Thi xong vẫn bận rộn, chả viết blog được. Mà bên đó, tình hình còn tình hình không anh ? :)-Land-

  33. VMC Tháng Bảy 4, 2010 lúc 5:53 sáng #

    Phú là người Nha Trang thứ ba mà mình quen. Cả ba người đều bất cần đời, "phá gia chi tử" kiểu này. Dân NT ghê thật!

  34. Anonymous Tháng Bảy 4, 2010 lúc 8:59 sáng #

    Cuốn vở duy nhất của bác giống cuốn vở duy nhất của người yêu em quá, hi :))

  35. Anonymous Tháng Bảy 4, 2010 lúc 9:02 sáng #

    Hic, em muốn gửi comment với đủ nick, hoặc email, hoặc địa chỉ blog của em ở WP (chứ không phải để "nặc danh" thế này), nhưng không hiểu sao nó cứ báo là url không hợp lệ và không gửi comment được, thử chuyển sang "ẩn danh" thì lại được :(Blog của bác Phú rất thú vị và nhiều tình cảm 🙂

  36. Kan Tháng Bảy 4, 2010 lúc 10:54 sáng #

    Thưa bác Phú,Lại thêm 1 bài nữa được nhà xuất bản "Giang Hồ 1/2 Buổi" ấn hành, rất riêng, rất đặc trưng như mọi khi ạ! :-)Thưa các bác,Em nghĩ là chúng ta không nên mãi lấy Bill Gates, Larry Ellison, Lý Gia Thịnh, hay, Đoàn Nguyên Đức làm dẫn chứng mãi, họ là những người "không bình thường" mà, hihi!

  37. Đàm Hà Phú Tháng Bảy 4, 2010 lúc 11:30 sáng #

    @Land: Tình hình bây giờ rất chi là tình hình và anh đang rất "cá đuối". ANh nghĩ do BKAV mới của cty anh@Anh Cường: Hé hé. Dân NT hiền khô anh ơi. Tại anh quen không nhắm người thui :)@Nặc danh 1: Cảm ơn bạn :)@Nặc danh 2: Có lẽ do lỗi blogspot. Cảm ơn bạn đã coi 🙂

  38. Đàm Hà Phú Tháng Bảy 4, 2010 lúc 11:30 sáng #

    @Kan: Cảm ơn bạn nhé 🙂

  39. Hoàng Tử pé Tháng Mười Một 23, 2010 lúc 3:14 sáng #

    Gặp lại người quen! ^^ Xin chào bố của Hà Thi.Chậc, Hà Thi có ông bố cá tính quá! :)[Thật ra là hồi đó đi lạc có đọc blog này một hai lần gì đó, đọc trúng bài bố dạy Hà Thi cứ thoải mái với chuyện học, quan trọng cứ là chính mình ấy… đại loại vậy, mà thích] Ai dè giờ gặp lại, từ một đường link khác! Hết hồn!Hân hạnh được biết anh! 🙂

  40. chipchiu Tháng Mười 11, 2011 lúc 7:19 sáng #

    Hay quá anh Phú.

Gửi phản hồi cho Đàm Hà Phú Hủy trả lời