Đỡ Đòn

3 Th5


Blog làm chốn luận bàn văn chương thật hợp thời. Vậy mà đôi khi Phú tôi lại lấy chuyện giang hồ, chuyện võ học ra luận thì chẳng khác nào làm kẻ ngược đời, dẫu có mấy bận tự nhận mình lỗ mãng cũng không tránh được tiếng xấu. Nay tự lập tag mới gọi tên là “răn mình”, đem mấy suy nghĩ của kẻ ít chữ để luận chuyện xử thế ở đời vậy.

Tôi nhớ thầy mình, là Võ Sư Bình Hổ, từng vang danh một dải miền trung những năm tám mươi, có dạy rằng: “Đánh không khó – đỡ mới khó”. Trong một năm trời, tôi hầu như chỉ được luyện cách để đỡ đòn. Nếu không vì ba tôi cương quyết bắt tôi học, nếu không vì mấy bộ phim hồng công có Khương Đại Vệ đóng thì tôi đã không thể qua nổi thời gian này.

Có lần, có một võ sinh xin thầy ra đánh đài. Hồi đó cái đích cuối của việc học võ là lên võ đài so găng. Thầy kêu bạn võ sinh đó và tôi ra trước võ đường, bảo cả hai đeo găng vào. Thầy nói: Cho hai đứa mầy đánh ba hiệp nhang nhưng thằng Phú không được ra đòn, chỉ được đỡ.

Một cây nhang chia làm 10 đốt, mỗi đốt gọi là một hiệp, mỗi đốt nếu cháy đúng thì chừng 3 phút. Thường ở cấp của tụi tôi thì chỉ đánh tối đa là 3 hiệp nhang, không có sức đánh hơn.

Trước khi so găng, thầy nói: đỡ đủ ba chiêu. Tôi hiểu ý. Đến chiêu thứ ba thì bạn đồng môn kia xin thua. Từ đó tôi mới ngộ được, xem ra biết đỡ đòn cũng lợi hại, nếu không nói là hơn cả ra đòn đánh.

Vậy ba chiêu đỡ là gì. Tôi không nhớ kỹ tên gọi nhưng đại khái có ba cách đỡ đòn, tạm có thể kể theo thứ tự từ thấp đến cao như sau:

1. Đỡ nhu:
Là việc dùng những phần cơ mềm như bắp tay, bả vai, lưng, đùi để đỡ đòn. Đây là cách đỡ cơ bản và phổ thông nhất và có hầu hết các thế đỡ cho mỗi đòn đánh. Việc đỡ này thực chất là tiếp nhận đòn đánh một cách có chọn lọc, lợi dụng lúc đối phương say đòn để phản công.

2. Đỡ cương:
Là việc chặn những đòn đánh từ xa bằng các bộ phận cứng như nắm tay, cẳng tay, cùi chỏ, ống quyển, đầu gối. Dùng phản lực của những bộ phận này để tiếp nhận đòn đánh hoặc gạt đòn đánh ra khỏi tâm đến. Việc đỡ đòn bằng cách này đòi hòi phải thật nhanh, đặc biệt là phải phán đoán được vị trí và thời điểm đối phương ra đòn. Chiêu này thực chất là một hành vi đánh chặn, làm đối phương thốn ngược vì chính đòn của y.

3. Thoái (hay Thối):
Nôm na là việc né đòn. Coi đơn giản vậy nhưng chiêu này là đỉnh cao của việc đỡ đòn. Cú ra đòn thường có trọng tâm và lực được dồn nhiều vào điểm đó. Né đòn là thoái lui một hoặc chỉ cần nửa bộ, ra khỏi trọng tâm của đòn đánh, làm cho đối phương mất phương hướng, hụt sức và đặc biệt là làm mất nhuệ khí tấn công. Nếu đạt đến đỉnh cao của chiêu thức này, có thể chỉ cần thoái mà vẫn thắng.

Đại khái vậy.

Tôi ngày xưa, theo phản xạ, thường chọn lối đỡ thứ hai, đỡ cương. Mà nói chung tôi ít khi phải đỡ vì tôi thường ra đòn trước vì tôi nóng nảy, háo thắng và ngu dốt.. Bây giờ sức không còn khỏe, mắt không còn tinh lại thêm phần chây lười tập luyện, mười phần chắc không còn một. Nên bây giờ, ngẫm lại thấy mấy bài học đỡ trên thật là hữu dụng.

Bây giờ luận chuyện xử thế.

Phàm ở đời việc gì mà người đời làm ta đau có thể coi như một đòn đánh vậy, nếu đánh trả bằng một việc tương tự thì có gì là hay. Vả lại, đâu phải cái gì làm ta đau ta cũng đánh trả được. Học cách đỡ đòn, theo tôi, là hay hơn nhiều.

Không phải ngẫu nhiên mà tiền nhân võ học xếp chữ” thoái” vào đỉnh cao của việc đỡ đòn. Thoái một bước, coi vậy, mà khó lắm. Nhất là trong lúc máu đương hăng, tâm đương nóng, dạ đương sôi. Thoái được một bước, đôi khi, đã là thắng được chính mình.

Xem thêm
– Điểm huyệt
– Xuống tấn

18 bình luận to “Đỡ Đòn”

  1. Thuy Dam Minh Tháng Năm 3, 2010 lúc 4:20 sáng #

    Hay nhỉ! Hóa ra võ cũng rất thâm thúy, chứ đâu đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ con nhà võ chỉ biết có đánh đấm thôi đâu. Đúng không Phú?

  2. LU Tháng Năm 3, 2010 lúc 4:28 sáng #

    Đúng rồi, thoái một bước để nhìn rõ sự việc. Hòa nhã muôn sự lành mà. Nói chung thì Lu thấy ai cũng có cái hay riêng của mình, thôi thì mình học người và người học mình, ai cũng đúng cả và ko ai dở cả…thế giới lại thái bình ;))

  3. Dã Quỳ Tháng Năm 3, 2010 lúc 4:38 sáng #

    Nhưng không phải ai cũng biết đỡ và thoái đâu anh Phú nhỉ?!!! Vả lại, thắng trong võ học lẫn ngoài xử thế không hẳn là thắng đối phương mà thắng được chính mình đấy thôi. Một khi đã thắng nổi chính mình thì không lo thắng/thua gì nữa cả. Đúng như anh nói. Học ra đòn hay đỡ đòn đã là khó. Mà thật ra, cái khó nhất là học thoái. Phải làm sao để thoái đúng lúc. Bởi nhiều khi, chỉ cần nửa bước thoái là đối phương đã té nhào, chịu thua.Hồi bé, khi DQ đi học võ thì thầy cũng dạy đỡ và thoái nhiều hơn là công. Và triết lý cũng chỉ có nhiêu đó. Hơn nữa, bởi DQ lại là con gái nên dùng thoái làm tiến dễ hơn là công phá. Xử thế cũng thế thôi. Mình dùng thoái để tiến không có nghĩa là mình né trách, mà dùng chính thoái bộ đấy để thắng chính mình và đối phuơng cùng nhụt chí tấn công mà chịu thua thôi.

  4. HỮU DANH VÔ THỰC Tháng Năm 3, 2010 lúc 6:09 sáng #

    Hè hè, chào chàng Lữ Hành Kỳ Diệu, anh đã đỡ được nhiều đòn hiểm chưa vậy ??

  5. Chu Chỉ Mỵ Tháng Năm 3, 2010 lúc 8:38 sáng #

    Em hay nghe người ta bảo" lùi một bước trời cao đất rộng", em không biết tí võ nào, nhưng mà trong hội họa bao giờ cũng phải lùi một buớc để vẽ và ngắm thì tranh mới đẹp, hihiChúc anh Phú luôn thoái được một bứớc.

  6. HwoangNguyen Tháng Năm 3, 2010 lúc 9:34 sáng #

    Hay, Thú vị, Bổ Ích!

  7. Titi Tháng Năm 3, 2010 lúc 10:19 sáng #

    Hay, bác ợ 😀 Nhiều người cứ nghĩ việc quái gì phải nhường ai? Thực ra không phải nhường mà là không cần động thủ 😀

  8. Miềng Tháng Năm 3, 2010 lúc 1:13 chiều #

    Off chuyện võ: Bác Phú, hồi xưa em nghĩ kiểu vậy là kiểu AQ, nhưng càng già càng thấy làm được vậy mới là khó, mới là đem lại cho đầu óc mình sự bình an hơn là nghĩ cách đánh trả.

  9. Nkd Tháng Năm 3, 2010 lúc 5:35 chiều #

    Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

  10. Nkd Tháng Năm 3, 2010 lúc 6:04 chiều #

    Cám ơn bác vì bài này. Nói chung, hoàn toàn đồng ý với bác. Nhưng né được đòn cũng khó, bởi vì đôi khi bị đánh bất ngờ. Hơn nữa nhiều khi theo phản xạ mình phản ứng, chứ không cũng không muốn thế. Bạn Dã Quỳ nói cũng đúng đấy, nhưng hi vọng bạn và mọi người suy nghĩ đa dạng hơn. Thế giới vô cùng rộng lớn và có rất nhiều loại người khác nhau. Không nên giữ mãi một quan điểm đàn bà phải thế này hay phải thế kia. Ngoài ra chúng ta đôi khi cũng phải chấp nhận một thực tế, đôi khi những người tốt cũng không thể sống gần nhau bởi vì không hợp nhau.

  11. Diên Hoàng Tháng Năm 3, 2010 lúc 7:16 chiều #

    Thấy Phú hay nhắc đến võ thuật, tôi mời Phú xem một truyện ngắn nhé. Nếu click vào link không được, xin báo cho tôi biết. 🙂

  12. Đàm Hà Phú Tháng Năm 4, 2010 lúc 2:27 sáng #

    @Anh Thụy: Chủ yếu vẫn là giỏi đánh đấm anh ạh. Còn lại thì học đòi thêm. Hì@Lu: Thích câu "Thiên hạ thái bình" của Lu@DQ: Hóa ra bạn cũng từng theo đường võ học. Vậy là có bạn đồng cảm rồi. Cảm ơn nhé@HDVT: Còn sống đến ngày hôm nay thì chắc tôi cũng đỡ đc nhiều đòn hiểm ác rồi bạn ạ.

  13. Đàm Hà Phú Tháng Năm 4, 2010 lúc 2:31 sáng #

    @Mỵ Nương, HN, Titi: Cảm ơn các bạn :-)@Miềng: Đúng là càng già càng thấy (Có lẽ vì sức yếu hơn chứ không phải vì tỉnh ngộ ra) :-)@Nkd: Cảm ơn bác đã chia sẻ. Đúng là những người tốt đôi khi cũng không sống được với nhau vì ai cũng cho rằng mình tốt hơn người khác. :-)@Anh DH: Cảm ơn anh vì câu chuyện. Mới đọc xong. Chắc phải đọc lại 2~3 lần mới ngộ ra được.

  14. Dã Quỳ Tháng Năm 4, 2010 lúc 2:59 chiều #

    Anh Phú: hồi bé, DQ cũng có đi học chút đỉnh thôi. Chỉ đủ phòng thân là bảo vệ mấy đứa em thui …..hì hì hì ….Thầy của DQ bây giờ đã ra người thiên cổ, nhưng những lời dạy của thầy thì vẫn nhớ in. Thầy dạy chiêu có 1 thì dạy xử thế đến 10 cơ. Có lẽ nhờ vậy mà tụi DQ không thấy chán và không biết nản khi đi học.

  15. Đàm Hà Phú Tháng Năm 5, 2010 lúc 5:08 sáng #

    DQ: Có thầy hay như vậy là may mắn rồi. hèn chi bây giờ DQ nói chuyện rất hay.

  16. mii Tháng Năm 5, 2010 lúc 2:56 chiều #

    đâu phải môn võ nào cũng chỉ có tấn. Vịnh Xuân quyền và Aikido cũng là những thế võ thủ.

  17. Tranhung09 Tháng Bảy 10, 2010 lúc 7:27 sáng #

    Chào Đàm Hà Phú! Mới biết blog bạn, đọc một số bài mình đã mê vì nó gần gũi cuộc sống lại có chiều sâu triết lý. Cảm ơn bạn đã chia sẻ những trải nghiệm cuộc đời. Đã qua cái tuổi 50, soi lại mới biết vì sao mình thất bại! Ai có hời hợt đọc qua, chí ít "Không bổ chiều dọc cũng được bề ngang!". Xin phép được giới thiệu Người Lữ Hành Kỳ Dị cùng gươm đàn nửa gánh trên Góc sưu tập của mình…

  18. Mr QT Tháng Tám 6, 2010 lúc 12:16 chiều #

    em đọc bài này khi đầu đang nóng nên thấy thấm dữ lắm, em cám ơn anh nhiều :).

Gửi phản hồi cho Titi Hủy trả lời